Tìm hướng phát triển cho vùng chè cổ thụ
Hàng nghìn tấn chè đen, chè xanh hữu cơ sản xuất từ vùng chè Shan cổ thụ Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Ðức, Mỹ, Ca-na-đa... Mỗi cân chè hữu cơ xuất khẩu có giá từ sáu đến tám USD đã đem lại cho doanh nghiệp và người làm chè lợi nhuận cao gấp ba lần so với các sản phẩm chè thông thường. Tín hiệu lạc quan từ vùng chè Cao Bồ mở hướng phát triển bền vững cho vùng chè cổ thụ vốn được coi là "vàng xanh" của núi rừng Hà Giang.
Từ mô hình sản xuất chè hữu cơ Cao Bồ
Xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên có gần 1.000 ha chè, chè mọc khắp nơi nhưng tập trung nhiều trên sườn núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Người già nhất ở xã bảo chè cổ thụ nơi đây đã qua dăm bảy đời người, dễ đến vài trăm năm tuổi, cây nào cũng to, tán rộng, có cây đường kính thân hai người ôm không xuể, cao gần 20 m. Sản phẩm chè nơi đây là sạch tự nhiên bởi môi trường trong lành, không bị tác động từ các loại thuốc hóa học.
Phó Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Ðặng Văn Chung tâm sự: “Trước kia, người dân tự thu hái, sao chế làm chè vàng rồi bán cho thương lái, giá bấp bênh, đầu ra không ổn định. Ai cũng biết búp chè Shan được hái trên núi cao là quý nhưng với cách làm chè thủ công truyền thống của người nông dân thì khó mà nâng cao giá trị sản phẩm lên được”.
Khi chính quyền, doanh nghiệp vào cuộc triển khai dự án liên kết “bốn nhà” cùng gìn giữ, xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất chè hữu cơ thì giá trị vùng chè Cao Bồ được nâng lên, búp chè hái từ núi rừng cực bắc mới vươn xa tới tận châu Âu, châu Mỹ. Ðó là vào năm 2010, Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường (Công ty Hùng Cường), doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chè của tỉnh Hà Giang phối hợp chính quyền địa phương triển khai dự án liên kết sản xuất chè hữu cơ Cao Bồ.
Khoảng 900 ha chè ở Cao Bồ được quy hoạch thành vùng nguyên liệu sản xuất chè hữu cơ với hơn 600 hộ dân tham gia được phân theo 11 tổ sản xuất. Các tổ sản xuất có trách nhiệm đứng ra thu mua sản phẩm chè tươi cho nông dân và bảo đảm chè vùng này không bán cho tư thương khác. Công ty Hùng Cường ký cam kết với từng hộ dân, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao và ổn định. Công ty phối hợp chính quyền tuyên truyền, nâng cao nhận thức tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo quy trình canh tác hữu cơ cho nông dân.
Phó Giám đốc Công ty Hùng Cường Nguyễn Văn Khoa cho biết: “Năm 2011, chè Cao Bồ chính thức được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ – Organic Cao Bồ. Ngay sau đó, chúng tôi đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu chè xanh, chè đen hữu cơ sang các nước châu Âu, châu Mỹ”. Chuỗi giá trị chè Cao Bồ được nâng lên, mỗi năm Công ty Hùng Cường xuất khẩu khoảng 200 tấn chè hữu cơ với giá sáu USD/kg chè đen, tám USD/kg chè xanh, đem lại cho doanh nghiệp nguồn lợi nhuận không nhỏ. Công ty tiêu thụ khoảng một nghìn tấn chè búp tươi cho nông dân xã Cao Bồ với giá thu mua từ 15 đến 18 nghìn đồng/kg, gấp ba lần so với các loại chè thường.
Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, ông Ðặng Văn Minh, thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ cho biết: “Vùng đất này, lúa nước chỉ làm được một vụ, gieo cấy bằng giống mới, nhà nào nhiều ruộng cũng chỉ đủ ăn, muốn có tiền chi tiêu, cho con cái đi học phải làm chè. Nhà tôi có hơn một ha chè cổ thụ, từ khi tham gia vào tổ sản xuất chè hữu cơ, chè bán giá cao, ổn định, thu hái đến đâu nhà máy thu mua hết đến đó. Gia đình rất vui vì mỗi năm cũng có nguồn thu khoảng 20 triệu đồng”.
Từ khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ, người dân Cao Bồ có nguồn thu ổn định từ cây chè. Tất cả các hộ dân trong xã ít nhiều đều trồng chè, tính bình quân mỗi hộ thu xấp xỉ 15 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Nguyễn Minh Sang đánh giá: “Với một xã vùng ba, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn thì đó là nguồn thu khá, giúp các hộ ổn định cuộc sống, thoát cảnh đói nghèo”.
Mới đây, hơn 200 cây chè Shan cổ thụ ở xã Cao Bồ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Việc làm này rất ý nghĩa, góp phần giúp địa phương gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh giống chè cổ thụ Cao Bồ.
Ðến định hướng phát triển vùng chè cổ thụ
Tỉnh Hà Giang có hơn 20.000 ha chè, trong đó 60% diện tích là chè Shan cổ thụ sinh sống tại các xã vùng cao thuộc các huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần. Ðây được coi là “vàng xanh” của núi rừng Hà Giang bởi chè Shan là giống chè ngon lại sinh sống tự nhiên trên các đỉnh núi cao khoảng 1.000 m so với mặt nước biển.
Bản chất vùng chè cổ thụ Hà Giang là sạch, đó là điều khác biệt không phải vùng chè nào trong nước cũng có. Chè cổ thụ sinh sống trên núi cao, môi trường đất, nước, không khí trong lành và gần như ít bị tác động từ các biện pháp lý, hóa học ảnh hưởng đến môi trường cũng như chất lượng sản phẩm.
Hiện, vùng nguyên liệu chè cổ thụ vẫn chưa được khai thác tốt, ngoài diện tích chè ở Cao Bồ đã nâng cao được giá trị, các vùng chè cổ thụ khác giá bán búp tươi cũng chỉ bằng hoặc cao hơn chút ít so với chè vùng thấp (khoảng 5.000 đồng/kg). Chè cổ thụ mọc phân tán, người dân không đầu tư thâm canh cho nên năng suất bình quân đạt thấp, chỉ gần 20 tạ/ha.
Từ thực tế nêu trên, hướng phát triển bền vững nhất nhằm nâng cao giá trị cho vùng chè cổ thụ Hà Giang là làm theo mô hình liên kết sản xuất chè hữu cơ đã thực hiện thành công ở xã Cao Bồ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, tập trung phát triển cây chè theo chuỗi giá trị sản phẩm bằng hình thức sản xuất chè an toàn và chè hữu cơ là hướng phát triển bền vững cho vùng chè cổ thụ của tỉnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ trên thế giới rất lớn, sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Do đó, quy hoạch vùng nguyên liệu chè cổ thụ để sản xuất chè hữu cơ là tất yếu, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, hướng đến thị trường cao cấp nhằm khẳng định vị thế sản phẩm chè Hà Giang.
Ngay trong năm nay, tỉnh Hà Giang tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu chè hữu cơ, xác định rõ vùng chè có khả năng thực hiện, vùng chưa đủ điều kiện. Cùng với đó là phân vùng nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở chế biến. Tỉnh Hà Giang chỉ đạo các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên rà soát số hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp làm chè, từ đó thống nhất về địa giới diện tích để quy hoạch vùng nguyên liệu chè cho từng đơn vị. Việc làm này nhằm bảo đảm cơ sở chế biến có vùng nguyên liệu riêng gắn với trách nhiệm trong việc xây dựng, bảo vệ vùng nguyên liệu đó.
Với kinh nghiệm làm chè hữu cơ, Giám đốc Công ty Hùng Cường Nguyễn Thanh Hùng nhận định: “Ðịnh hướng phát triển vùng chè cổ thụ Hà Giang theo hướng sản xuất chè hữu cơ có khả năng thành công cao bởi bản chất chè cổ thụ Hà Giang là chè sạch. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cần có sự liên kết bốn nhà trong quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn nâng cao nhận thức cho người nông dân, chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ðiều khó nhất là để được các tổ chức có uy tín như IFOAM cấp chứng chỉ chè hữu cơ thì cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính, có uy tín và tâm huyết”.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có tám doanh nghiệp và hơn 20 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh chè. Trong đó, không nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm và uy tín, có khả năng liên kết người nông dân làm chè hữu cơ. Ðây cũng là vấn đề được ngành chức năng tỉnh Hà Giang tìm hướng giải quyết. “Tỉnh sẽ dựa vào số ít doanh nghiệp hạt nhân đủ mạnh trong chế biến, xuất khẩu làm đầu tàu, từ đó xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ làm vệ tinh, hướng tới xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm chè hữu cơ Hà Giang, chứ không để tình trạng quá nhiều nhãn hiệu, thương hiệu chè như hiện nay”, đồng chí Nguyễn Ðức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết.
Sau khi phân định vùng nguyên liệu, xác định doanh nghiệp hạt nhân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ, tỉnh Hà Giang xây dựng chính sách đặc thù nhằm giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp và nông dân.
Theo đó, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa, trong đó cây chè là một trong năm loại cây, con chủ lực được ưu tiên.
Hiện, một số chính sách khuyến khích phát triển cây nông nghiệp, công nghiệp ngắn ngày đang được tỉnh Hà Giang thực hiện tiếp sức cho các doanh nghiệp và người làm chè như hỗ trợ từ 40 đến 60% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu với mức hỗ trợ không quá hai tỷ đồng/nhà máy; hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại các tổ chức tín dụng với thời gian 24 tháng, mức tiền vay được hỗ trợ lãi suất không quá 100 triệu đồng đối với hộ gia đình, 200 triệu đồng đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã; hỗ trợ từ một đến hai trăm triệu đồng xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp có giá trị các hợp đồng xuất khẩu từ 200.000 USD trở lên…
Trong năm 2015, tỉnh Hà Giang sẽ xây dựng chính sách riêng để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất chè hữu cơ. “Ngoài việc nghiên cứu chính sách đặc thù để giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp, tỉnh ban hành các chính sách giải quyết những vấn đề trong xây dựng, thực hiện chuỗi giá trị chè hữu cơ, lấy doanh nghiệp là chủ thể trong xây dựng chuỗi giá trị này, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khâu chế biến, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Ngoài ra sẽ hỗ trợ các hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị thông qua các mối liên kết”, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()