Tìm hướng phát triển cho ngành công nghiệp sáng tạo tại Hà Nội
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức chương trình “Hội thảo nhận diện Công nghiệp sáng tạo Hà Nội”. Đây là sự kiện nằm trong chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm năm 2013 và ngành công nghiệp sáng tạo tại Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015.
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức chương trình “Hội thảo nhận diện Công nghiệp sáng tạo Hà Nội”. Đây là sự kiện nằm trong chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm năm 2013 và ngành công nghiệp sáng tạo tại Thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, việc phát triển công nghiệp sáng tạo là nhu cầu quan trọng và đây sẽ là ngành công nghiệp tạo ra việc làm, của cải cho xã hội và phát triển văn hóa, đặc biệt là ngành công nghiệp này có khả năng phát triển bền vững ngay cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế.
Với vị thế Thủ đô, Hà Nội là nơi tập trung lực lượng lao động trẻ dồi dào, được đào tạo bài bản, là nơi hội tụ nhiều tổ chức quốc tế, các nghệ nhân, các trường đại học, dạy nghề, là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống của cả nước…Đây là cơ hội để doanh nghiệp Thủ đô phát triển mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố và cả nước.
Trình bày về sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo, ông Tom Fleming, Chuyên gia của Hội đồng Anh cho biết, hiện nay mỗi năm ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp 4 – 7% GDP toàn cầu. Tại một số nước phát triển như Vương quốc Anh, con số này còn lên tới trên 10%.
Là một ngành công nghiệp được đánh giá giàu tiềm năng, công nghiệp sáng tạo bao gồm nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế thời gian, điện ảnh, nghề thủ công, âm nhạc, quảng cáo, phần mềm…Tuy nhiên, tùy từng quốc gia, từng thành phố mà có thể định hình một bản đồ các ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau và còn tùy thuộc vào cả nền văn hóa từng khu vực.
Tại Việt Nam, tuy khái niệm công nghiệp sáng tạo còn mới mẻ nhưng đã đem lại doanh thu mỗi năm tương đối đáng kể. Chỉ tính riêng lĩnh vực quảng cáo, trong năm 2012, doanh thu tại Việt Nam đạt trên 22 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2011. Trong đó quảng cáo trên truyền hình đạt trên 18 nghìn tỷ, tăng 136% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng để có thể phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, Việt Nam cần phải tăng cường các giải pháp để bảo vệ quyền tác giả. Song song với đó, phải hình thành nên được bản đồ các ngành công nghiệp sáng tạo, thu thập số liệu các ngành này để có định hướng thích hợp.
Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Tiến cho rằng, để có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo theo đúng hướng và mang lại kết quả thiết thực, điều đầu tiên là cần phải nâng cao nhận thức và có sự đánh giá đúng đắn về vai trò và tiềm năng của các ngành công nghiệp sáng tạo tại Hà Nội.
Theo ông Tom Fleming, kinh nghiệm từ những nước có ngành công nghiệp sáng tạo phát triển cho thấy ngoài việc kết hợp mô hình giữa công nghệ và tài chính, những người làm trong lĩnh vực này cần kết hợp thành từng nhóm để có thể hình thành nên những ý tưởng lớn.
Dangcongsan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()