Tìm hướng khai thác lợi thế, phát triển du lịch golf Việt Nam
Hiện nay, hơn 50.000 người Việt và 20.000 người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam đã chơi golf; dự kiến đến năm 2025, tổng số người chơi golf sẽ tăng lên khoảng 300.000 người.
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2022 (VITM), ngày 1/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội thảo “Du lịch golf Việt Nam: Tiềm năng và thách thức” nhằm tìm giải pháp phát triển hơn nữa du lịch golf Việt Nam trong thời gian tới.
Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, năm 2019, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách chơi golf, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế và 1,5 triệu khách nội địa, doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng.
Riêng quý 1 năm 2020, lượng khách và doanh thu vẫn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay là khách Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Hiện nay, hơn 50.000 người Việt và 20.000 người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam đã chơi golf. Dự kiến đến năm 2025, tổng số người chơi golf sẽ tăng lên khoảng 300.000 người.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc chia sẻ, với bờ biển dài hơn 3.260km, địa hình đa dạng 3/4 đồi núi, Việt Nam là đất nước có lợi thế phát triển các loại hình du lịch phong phú trong đó có du lịch golf.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành “Thiên đường golf của châu Á.”
Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam còn hết sức hạn chế do lượng sân golf còn ít. Tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf chưa cao. Sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn lỏng lẻo.
Du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác; chưa có giải thưởng chuyên nghiệp; chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản. Các chương trình golf tour hiện đang khai thác còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung, chủ yếu tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khách chơi golf.
Trong tương lai, golf sẽ trở thành một loại hình giải trí toàn cầu với các thị trường mới đang phát triển ở châu Á, Mỹ La tinh, Trung Đông và Đông Âu. Vì vậy, chủ trương của ngành du lịch Việt Nam là phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf theo hướng bền vững. Đây được xem là một trong những định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam những năm tới, ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp nhằm phát huy lợi thế của Việt Nam cũng như phát triển du lịch golf hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất, cần xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách đầu tư, kinh doanh dịch vụ môn golf ở Việt Nam; hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất; tăng cường chất lượng phục vụ của các sân golf và các hoạt động của môn golf, đặc biệt là tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, nghiệp dư.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tăng cường xúc tiến quảng bá về điểm đến golf chất lượng ở Việt Nam; xây dựng các gói sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng, hấp dẫn từ sự kết hợp giữa sân golf với các hãng lữ hành; tăng cường mối quan hệ đối tác, hợp tác liên kết với các nước có thế mạnh du lịch golf để thu hút thị trường theo quan điểm đôi bên cùng có lợi.
Đồng tình với một số giải pháp nêu trên, bà Lê Thanh Hòa, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Good Feeling Việt Nam đưa ra thêm một số giải pháp như: Coi các doanh nghiệp golf như doanh nghiệp du lịch, quảng bá du lịch golf trong các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở các thị trường du lịch trọng điểm.
Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch golf được coi là hướng đi phù hợp trong chiến lược khôi phục ngành du lịch trước những tác động của đại dịch COVID-19. Việc phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf sẽ là một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong những năm tới./.
Ý kiến ()