Tìm hướng gỡ khó cho các hợp tác xã thủy sản
– Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song hoạt động của các hợp tác xã (HTX) thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế để vươn lên phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó, nhiều HTX khai thác diện tích mặt nước ở các hồ, đập, sông để phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX đã gặp phải không ít khó khăn trong việc thuê diện tích mặt nước để nuôi trồng; hạn chế về nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất; thiếu nhân lực để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; chưa có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp… Để khắc phục khó khăn đó của các HTX, các cấp, ngành liên quan đã có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ cho các HTX.
Vệ sinh lồng cá tại HTX chăn nuôi cá lồng Tân Minh, huyện Văn Quan
Ông Hứa Văn Thân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Song Giáp, huyện Cao Lộc cho biết: HTX được thành lập năm 2021 với 11 thành viên. Sau khi tìm hiểu mô hình nuôi cá lồng ở huyện Văn Quan, HTX đã đề xuất với cấp có thẩm quyền để được thuê mặt nước ở khu vực hồ thủy điện Khánh Khê phát triển chăn nuôi cá lồng với quy mô ban đầu là 10 lồng cá. Tuy nhiên đến nay, HTX vẫn chưa triển khai được mô hình do chưa thuê được diện tích mặt nước. Trước khó khăn như vậy của HTX, tháng 10/2022, một số sở, ngành, đơn vị liên quan đã mời HTX lên làm việc để hướng dẫn các trình tự, thủ tục cụ thể. Từ sự hướng dẫn của các cơ quan liên quan, hiện nay, HTX đang hoàn thiện văn bản theo đúng quy định để thuê mặt nước để thực hiện mô hình nuôi cá lồng của mình.
Hoạt động lâu năm hơn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, HTX Cường Thịnh, huyện Bắc Sơn cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập năm 2011. Trước đây, HTX chủ yếu thả cá xuống hồ Phai Thuống, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Việc thả cá ra hồ tự nhiên như vậy khiến cho việc chăm sóc, thu hoạch cá của HTX gặp rất nhiều khó khăn, từ đó dẫn tới hiệu quả hoạt động của HTX không cao. Sau khi tìm hiểu ở một số nơi, HTX quyết định lựa chọn mô hình chăn nuôi cá lồng. Tuy nhiên, do ít vốn nên HTX rất khó thực hiện mô hình. Nắm bắt được khó khăn đó của HTX, năm 2018, từ nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ HTX vay 300 triệu đồng. Qua đó, HTX đã đầu tư 11 lồng cá. Bình quân mỗi năm, HTX thu được hơn 10 tấn cá các loại. Trừ chi phí mỗi lồng cá cho thu lãi 10-20 triệu đồng.
Cùng với 2 HTX kể trên, trong những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã có những giải pháp cụ thể để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhiều HTX thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật như việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng quản trị cho đội ngũ lãnh đạo HTX.
Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh đều phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn để cập nhật, nâng cao kiến thức về kinh tế tập thể, HTX cho các HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó, thường xuyên có sự tham gia của các HTX thủy sản. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được 31 cuộc với 2.200 người tham gia; tổ chức 7 lớp tập huấn với hơn 550 người là lãnh đạo, thành viên các HTX tham gia, trong đó có các HTX thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ đưa 3 trí thức trẻ về làm việc tại các HTX thủy sản. Cùng với hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực, Liên minh HTX tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã hỗ trợ 2 HTX thủy sản vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX với số tiền 600 triệu đồng; hỗ trợ 6 HTX thủy sản thực hiện thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất tín dụng, quảng bá sản phẩm…
Cùng với những giải pháp tháo gỡ nêu trên, từ tháng 9/2022 trở lại đây, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan đã gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện, thành phố. Tại đây, những khó khăn, vướng mắc của một số HTX thủy sản đã được làm rõ và có giải pháp để khắc phục như: khắc phục sự cố trôi cá giống của HTX Nông nghiệp Phai Sen, huyện Lộc Bình; giải quyết một số đề xuất của HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn liên quan đến bổ sung trí thức trẻ chuyên ngành thú y, hỗ trợ vay vốn…
Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành và sự chủ động của mình, nhiều HTX thủy sản trên địa bàn tỉnh đã vươn lên phát triển, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh song các HTX thủy sản vẫn tiếp tục duy trì ổn định doanh thu cũng như thu nhập cho người lao động. Cụ thể, doanh thu bình quân của HTX thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 500 triệu đồng/HTX.
Mặc dù đã có những giải pháp tháo gỡ cụ thể, song số HTX thủy sản tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ vẫn còn ít, hoạt động của một số HTX chưa có hiệu quả rõ nét. Để khắc phục khó khăn đó, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, các HTX thủy sản trên địa bàn tỉnh cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong việc tổ chức sản xuất, phát huy nội lực.
Ý kiến ()