Tìm hướng đi cho phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch
Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đã và đang khẳng định được chỗ đứng của mình trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch hiện nay không chỉ nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh, thương hiệu của mỗi quốc gia.
Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đã và đang khẳng định được chỗ đứng của mình trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch hiện nay không chỉ nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh, thương hiệu của mỗi quốc gia.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch làng nghề
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp, việc hình thành các làng nghề đã được hình thành từ hàng ngàn năm trước đây. Thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 3.000 làng nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề, thu hút khoảng 12 triệu lao động phổ thông. Có thể kể tới một số làng nghề đã khá phát triển và có thương hiệu nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng, Tranh Đông Hồ (Hà Nội), Chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa), Gốm xứ Bình Dương…Mỗi năm, thu nhập của người dân làng nghề thường cao hơn từ 3 –5 lần so với sản xuất thuần nông. Thực tế cũng cho thấy, các làng nghề truyền thống hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu việc làm cho lao động tại địa phương, thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo “Nghề và làng nghề truyền thống Huế với phát triển du lịch” diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua trong khuôn khổ Fesival nghề truyền thống Huế 2013, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên –Huế cho biết, trong năm 2012, tại địa phương, các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động, nâng cao đời sống người dân ở vùng có làng nghề truyền thống lên từ 3 –5 lần. Trong khi đó, ngành du lịch, dịch vụ đóng góp tới 48% GDP của địa phương. Do đó, việc phát triển du lịch làng nghề được xem là khá thích hợp, phù hợp với xu hướng du lịch hiện đại.
Tuy nhiên, tại một số làng nghề cụ thể, du lịch làng nghề Việt Nam đã thu hút một lượng du khách đáng kể nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp. Mặt khác, do nhận thức về du lịch của các làng nghề rất hạn chế nên tại nhiều địa phương chỉ sản xuất dựa vào quan sát, học hỏi, kinh nghiệm bản thân mà không để ý đến tính bản sắc văn hoá vùng miền và thương hiệu của sản phẩm, từ đó dẫn đến việc nhiều làng nghề không có mẫu hàng lưu niệm nào đặc trưng nổi bật.
Cần chiến lược cụ thể, lâu dài
Cũng tại Hội thảo “Nghề và làng nghề truyền thống Huế với phát triển du lịch”, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thừa Thiên – Huế đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra: đón 3 triệu khách vào năm 2015, trong đó có gần 50% khách quốc tế. Để làm được điều này, theo ông Hòa, cần phải tiếp tục phát triển các ngành nghề đặc trưng của địa phương, qua đó tạo ấn tượng trong các tour du lịch.
Những năm qua, với việc thường xuyên tổ chức fesival nghề truyền thống, Thừa Thiên – Huế có nhiều lợi thế trong việc quảng bá những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là điểm nhấn để hình thành tour du lịch làng nghề.
Tại Fesival nghề truyền thống Huế năm 2013, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thu hút được trên 10 vạn lượt người đến tham quan, trong đó có 6,5 vạn lượt khách quốc tế và khách nội địa, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Hội chợ triển lãm không gian làng nghề và ẩm thực Huế đã có khoảng 70.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt 20 tỷ đồng. Điều này đã góp phần tăng thu nhập ổn định cho người dân làng nghề và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch.
Tuy nhiên để có thể một cách bền vững, cần phải có sự liên kết giữa các địa phương với các doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp quan tâm đến loại hình du lịch làng nghề thì đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình đến với du khách. Ngược lại, các làng nghề sẽ có nhiều cơ hội để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Để phát triển loại hình du lịch này, trong thời gian tới, Nhà nước cần tập trung đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau, nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có làng nghề truyền thống; xây dựng các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản xuất thử nghiệm cho khách tự tham gia.
Dangcongsan
Ý kiến ()