Tìm hướng đi cho lâm nghiệp Ðác Lắc
Quá trình sắp xếp, đổi mới ngành lâm nghiệp được tỉnh Ðác Lắc tập trung chỉ đạo quyết liệt trong những năm qua. Tuy nhiên, để có thể tái cơ cấu một cách vững chắc còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì sau nhiều lần chuyển đổi, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn ngày càng xấu đi, nhiều cánh rừng bị mất, doanh nghiệp lao đao.
Sau hai lần sắp xếp, chuyển đổi từ lâm trường quốc doanh thành các công ty lâm nghiệp (năm 2006), rồi từ công ty lâm nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) lâm nghiệp (năm 2010), đến nay, tỉnh Ðác Lắc có 15 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, sáu ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và hai vườn quốc gia. Trong đó, 15 công ty lâm nghiệp quản lý hơn 208 nghìn ha, chiếm gần 33% tổng diện tích đất lâm nghiệp và 15,7% diện tích tự nhiên của tỉnh. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nhìn chung các doanh nghiệp nêu trên trong thời gian qua chưa khai thác hết tiềm năng đất đai, lợi nhuận hằng năm thu về không đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh bế tắc, không thể tổ chức, triển khai được bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh nào, ngoài việc tiếp tục chờ đợi kinh phí hạn hẹp từ trên “rót” về. UBND tỉnh Ðác Lắc đánh giá: Sau khi sắp xếp lại, 15 công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng công tác điều hành vẫn theo mô hình truyền thống, chưa có sự đổi mới, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng là chính. Những năm gần đây, phần lớn các công ty không còn chỉ tiêu khai thác gỗ, cho nên không có nguồn kinh phí để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên. Hầu hết đều rơi vào tình trạng làm ăn kém hiệu quả, nợ lương của cán bộ, công nhân kéo dài.
Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (huyện Ea Súp, Ðác Lắc) chia sẻ, mặc dù các công ty lâm nghiệp hoạt động hạch toán độc lập như một doanh nghiệp nhưng không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi nào từ các tổ chức tín dụng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng đã khó lại càng bế tắc hơn. Nguồn cân đối cho công tác quản lý, bảo vệ rừng càng trở nên thiếu hụt sau khi chỉ tiêu khai thác gỗ không còn. Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Trần Ngọc Quang cho rằng: Những công ty được Nhà nước giao đất, giao rừng, chưa có những biện pháp kiên quyết, có dấu hiệu buông lỏng quản lý để tình trạng lấn chiếm đất rừng xảy ra nghiêm trọng. Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðác Lắc Ðinh Văn Khiết: Ðể xảy ra tình trạng rừng bị khai thác, lấn chiếm trái phép trong những năm qua là do sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng và sự thiếu trách nhiệm của chính chủ rừng. Việc thẩm định, phê duyệt các dự án cho thuê rừng, đất lâm nghiệp trồng cao-su chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài trong nhiều năm. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng mà chủ yếu là công ty lâm nghiệp, bởi những đơn vị này đã được Ðảng, Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ, kinh doanh, khai thác, nhưng lại để rừng bị mất nhiều nhất, chiếm tới 57% trong các vụ phá rừng.
Ðác Lắc cho phép 90 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào khảo sát, lập 104 dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao-su và một số loại cây nông, lâm nghiệp khác. Với mục đích phủ xanh đất trống đồi trọc, khai thác, phát huy hiệu quả từ việc chuyển đổi rừng nghèo, sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu mọi dự án đều được triển khai đúng tiến độ, đúng phương án phê duyệt và cả đúng mục đích sử dụng đất rừng. Sự “đổ bộ” ồ ạt của các dự án đã khiến một số người dân tổ chức chiếm đất, phá rừng trái phép trong khu vực dự án để lấy đất hoặc để đòi chủ dự án bồi thường, tạo áp lực lớn đến công tác bảo vệ rừng. Trong khi đó, nhiều chủ dự án thiếu năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng, để rừng bị phá, lấn chiếm nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Nhiều cánh rừng đã được khai thác, tận thu gỗ, còn việc trồng rừng theo như mục tiêu của dự án và chủ trương của tỉnh thì đang chậm và vướng… Sau gần bốn năm thực hiện, đến nay các doanh nghiệp chỉ mới trồng được hơn 7.235 ha cao-su, gần 8.000 ha rừng. Tiến độ trồng cao-su, trồng rừng rất chậm so với kế hoạch, còn việc tận thu gỗ trên diện tích rừng được phép chuyển đổi được các doanh nghiệp triển khai nhanh chóng với 44 nghìn mét khối gỗ trên diện tích 7.343 ha rừng. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến tháng 9-2012, toàn tỉnh có gần 10 nghìn ha rừng bị tàn phá và lấn chiếm, trong đó có gần 3.000 ha rừng và đất lâm nghiệp bị chặt phá và lấn chiếm thuộc quản lý của các dự án.
Với hơn 84 nghìn ha rừng trồng, tỉnh Ðác Lắc có nguồn nguyên liệu rất lớn phục vụ ngành công nghiệp chế biến. Tuy vậy, các cơ sở chế biến hầu hết có công suất nhỏ, chủ yếu là sơ chế, hiệu quả còn thấp, trong khi đó các đơn vị muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên rất khó thực hiện. Theo tính toán của những nhà chuyên môn, để tiêu thụ sản phẩm, cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản có công suất từ 400 nghìn đến 500 nghìn m3 gỗ/năm, nhưng do trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn cho nên đầu ra cho gỗ rừng trồng vẫn đang là vấn đề nan giải. Do vậy, địa phương cần quy hoạch, khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng.
Việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp chính là để những đơn vị này hoàn toàn tự chủ, góp phần tích cực trong phát triển công nghiệp rừng ở các địa bàn. Ðể tạo điều kiện cho doanh nghiệp thật sự chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh trên cơ sở bảo đảm duy trì vốn rừng hiện có và từng bước nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm môi trường sinh thái, Ðác Lắc đã đề ra phương án tiếp tục sắp xếp mà cụ thể là cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, chuyển đổi một số đơn vị lâm nghiệp không có điều kiện sản xuất, kinh doanh thành các ban quản lý rừng; tiếp tục rà soát lại các diện tích rừng, đất rừng và khả năng đầu tư, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của các công ty để thu hồi những diện tích rừng quản lý kém hiệu quả cho các tổ chức kinh tế khác thuê, bảo vệ và kinh doanh theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được HÐND tỉnh thông qua. Với 33% diện tích rừng và đất rừng mà các công ty lâm nghiệp đang sở hữu, nếu được kịp thời tháo gỡ khó khăn, có hướng đi phù hợp thì chắc rằng các công ty lâm nghiệp sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp, không chỉ ở giá trị kinh tế, mà còn ở giá trị xã hội và môi trường.
Những giải pháp khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại hóa công nghệ là vấn đề cấp bách hiện nay. Qua đó, góp phần giảm áp lực đối với an ninh rừng và giúp người trồng rừng không phải lo lắng việc tiêu thụ sản phẩm. Một yêu cầu cấp thiết là đánh giá đúng thực trạng tình hình sử dụng đất của từng đơn vị, chủ rừng, điều chỉnh quy hoạch, hoàn thành các thủ tục giao đất gắn với giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, chủ rừng. Và trên cơ sở diện tích đã quy hoạch sử dụng đất theo ba loại rừng, chính quyền các địa phương phải có kế hoạch lồng ghép, điều phối các dự án phát triển kinh tế – xã hội từ các nguồn đầu tư khác nhau để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, nhất là các hộ thiếu đất sản xuất, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, các xã nghèo, bảo đảm an sinh xã hội để giảm bớt áp lực bất lợi vào tài nguyên rừng. Làm được những điều trên, nguồn lợi từ lâm sản sẽ giúp cho Ðác Lắc có thêm nguồn ngân sách.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()