Tìm hướng đi cho du lịch nông nghiệp
Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%. Thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp trải dài từ Bắc tới Nam, nhiều tour du lịch nông nghiệp đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu du khách.
Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2018, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” vào chiều 30/3, tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ở nước ta hiện nay, đồng thời bàn về giải pháp, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp; tạo diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và truyền thông để hoạt động du lịch nông nghiệp có sự phát triển đột phá, hiệu quả.
Theo báo cáo của Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, trong thời gian qua, tại nhiều địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân đã chú trọng đầu tư, khai thác các yếu tố từ nền sản xuất nông nghiệp cho phát triển du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam đã được hình thành đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch nông nghiệp độc đáo, có chất lượng cao bước đầu được du khách đón nhận. Một số tour đã trở thành thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: Các chương trình du lịch chú trọng khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; Tour du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan văn hóa, di sản, thưởng thức nghệ thuật truyền thống; Khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận; Tour du lịch với nét đặc trưng của miền quê miền Trung; Tour khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước Cửu Long; Các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái biển đảo, rừng quốc gia, rừng ngập mặn ở Kiên Giang, Cà Mau, Cần Giờ (Tp Hồ Chí Minh)…
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, vẫn còn hạn chế cả về sản phẩm lẫn chất lượng dịch vụ. Theo Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay – ông Lưu Quang Định: “Nước ta là một nước nông nghiệp với tiềm năng rất lớn về làm du lịch với những vườn cây ăn trái, trang trại, cánh đồng lúa…, có những điểm đến rất đẹp khiến khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài mê thích. Nhưng Việt Nam còn chưa khai thác hiệu quả được các tiềm năng này. Nếu chúng ta phát triển du lịch nông nghiệp mạnh sẽ đem lại lợi ích cho cả du lịch lẫn nông nghiệp. Du lịch sẽ có thêm điểm đến mới hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Còn người nông dân bên cạnh thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi thì có thể được thêm những nguồn thu, giá trị gia tăng rất lớn từ du lịch”.
Thực tế, phần lớn các hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Hầu hết bà con nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư đảm bảo chất lượng…
Tại hội thảo, đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các công ty lữ hành… đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, canh nông, làng nghề…, gợi mở hướng khai thác tiềm năng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc của từng địa phương, đồng thời cũng nêu những đề xuất, kiến nghị góp phần tháo gỡ những “nút thắt” của du lịch nông nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu cũng đã thảo luận về những định hướng và bước đi mới để phát triển du lịch nông nghiệp trong giai đoạn tới, trong đó ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, quy hoạch, định hướng và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, đặc biệt trong phạm vi vùng và từng địa phương. Đồng thời cần đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại), có kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu, bản đồ du lịch nông nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()