tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2108/5453e5014b67ac902c9ee4bf18b97f2c_L.jpg” border=”0″ alt=”Gia công làm chổi chít ở HTX Tiểu thủ công nghiệp Việt Thành (thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang).” /> Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và mô hình tổ hợp tác (THT) phát triển còn chậm, những HTX điển hình tiên tiến, làm ăn có lãi trong nông nghiệp còn ít, nhiều HTX nông nghiệp yếu kém kéo dài và gần như chỉ hoạt động trên danh nghĩa… Ðây là tình trạng chung của không ít HTX nông nghiệp và THT ở Hà Giang.
“Ba không”
HTX dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Bó Loỏng, thôn Bình An, xã Hùng An là một trong những số ít HTX của huyện Bắc Quang đã tự chuyển đổi mô hình dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp và cung ứng vật liệu xây dựng để tồn tại. Thế nhưng, dù đang chuyển đổi nhưng HTX vẫn đang ở trong tình trạng “ba không”: không trụ sở, không tư liệu sản xuất, không vốn. Hoạt động hiện nay của HTX chỉ cầm chừng, nguy cơ tan rã đang hiện hữu. Xã viên không có việc làm ổn định, nguồn cung ứng phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân trong xã không đáp ứng được nhu cầu.
Trên địa bàn huyện Bắc Quang hiện có 15 HTX nông nghiệp đang hoạt động, nhưng hiện tại chỉ có 9 HTX hoạt động cầm chừng và 6 HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa hoặc đã ngừng hoạt động. Các HTX nông nghiệp chỉ hoạt động theo mục tiêu phúc lợi là chính, chưa có đề án kinh doanh cụ thể nên tình trạng này đang phổ biến đối với các HTX nông nghiệp của huyện. Chính nguyên nhân này đã khiến cho các HTX không phát huy được vai trò vốn có của mình trong phát triển nông nghiệp tại địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Ðinh Văn Minh cho biết: Do quá trình chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới khiến cho nhiều HTX trên địa bàn huyện chưa hoạt động hiệu quả, nhiều HTX chưa bắt kịp yêu cầu phát triển, chưa có phương hướng hoạt động rõ ràng, các thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện nên là trở lực của sự phát triển kinh tế hợp tác.
Cũng như huyện Bắc Quang, huyện Vị Xuyên hiện nay có 13 HTX nông nghiệp và 18 THT đang hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì quá nửa HTX nông nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc chỉ tồn tại với duy nhất một cái tên. Chúng tôi đến tìm hiểu THT thủy nông của thị trấn Việt Lâm. Ðược thành lập từ tháng 11-2009 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2010, THT này có năm tổ viên tham gia công việc sửa chữa, điều tiết, bơm nước cho cánh đồng hơn 130 ha của thị trấn. Quản lý 12 đập thủy nông, 6.800m kênh mương nội đồng. Thế nhưng, mỗi năm tổ hợp tác này chỉ được cấp 17 triệu đồng, từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước để chi phí quản lý vận hành hệ thống thủy nông và trả công cho tổ viên. Hoạt động của THT hiện nay không có tư cách pháp nhân, không trụ sở, các tổ viên được xã chọn ra và công việc của họ chỉ là công ích, được nhận thù lao gần 200 nghìn đồng/người/tháng.
Tính đến ngày 31-12-2012, toàn tỉnh Hà Giang có 722 HTX và hơn 200 THT. Trong đó có 190 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 187 HTX thương mại dịch vụ tổng hợp; 117 HTX xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng; 180 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; 36 HTX giao thông vận tải, tín dụng và một số HTX quản lý chợ, nhà hàng, nhà nghỉ… Trong quá trình chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới hoạt động theo luật HTX đã tạo tiền đề cho các HTX phát huy vai trò tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, từng bước khắc phục những yếu kém. Hoạt động của nhiều HTX thương mại dịch vụ, công nghiệp, xây dựng đã gắn với nhu cầu của nhân dân thực hiện mục tiêu giúp nhau làm kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho xã viên.
Năng lực nội tại yếu
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang Phạm Quang Tuyên cho biết: Trong quá trình phát triển thì hoạt động của các HTX nông nghiệp đã bộc lộ những bất cập căn bản làm cản trở quá trình phát triển của loại hình này như: cán bộ quản lý các cấp, kể cả cán bộ và hầu hết xã viên HTX chưa nhận thức đầy đủ và thấu đáo về bản chất, nguyên tắc và giá trị của HTX kiểu mới. Ðội ngũ cán bộ của hầu hết các HTX đều có những hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn. Phần lớn cán bộ quản lý mới chỉ được tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày. Hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thành viên, phần lớn HTX và THT không có khả năng tích lũy từ nội bộ để tái đầu tư. Hoạt động của HTX phản ánh qua doanh thu và lãi rất thấp; lợi ích mang lại cho xã viên chưa nhiều. Năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp và các THT còn yếu kém về cả tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và quy mô hoạt động; đa số HTX cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, máy móc thiết bị cũ, trình độ công nghệ lạc hậu, sản xuất thủ công là phổ biến. Ðại bộ phận các HTX và THT chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đến nay mới có khoảng gần 10% HTX có trụ sở làm việc, nhiều HTX phải mượn tạm phòng làm việc trong trụ sở UBND xã hoặc nhờ nhà của cán bộ HTX, nhất là các khu nhà xưởng, nhà kho đa số chưa có.
HTX nông nghiệp và tổ hợp tác có vai trò rất quan trọng, là cầu nối của xã viên và bà con nông dân tiếp cận với các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp của Ðảng và Nhà nước. Ðồng thời là nơi tổ chức, giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho xã viên, hộ nông dân như: thủy lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, bao tiêu sản phẩm… HTX nông nghiệp và THT chỉ phát triển và phát huy tác dụng tốt cho hộ nông dân khi HTX và tổ hợp tác thực sự hoạt động theo nguyên tắc tự lực, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ, hiệu quả hoạt động cao. Việc lựa chọn khâu dịch vụ nào để HTX nông nghiệp làm là hết sức quan trọng. Bốn khâu: cung ứng vật tư, hàng hóa tiêu dùng, tín dụng tương hỗ, tiêu thụ sản phẩm và khuyến nông là rất phù hợp với HTX. Ngoài ra, để HTX nông nghiệp phát triển cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh trong phát triển kinh tế tập thể. Có như vậy, HTX nông nghiệp và các THT mới tồn tại và phát triển bền vững, đồng hành cùng với nông dân thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo.
Theo Nhandan.vn
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()