Tìm hiểu chữ “Lạng” trong địa danh Lạng Sơn
LSO-Lâu nay chữ “Lạng” trong địa danh “Lạng Sơn”, “Xứ Lạng” đã khiến nhiều người thắc mắc vì nó không rõ nghĩa, thậm chí vô nghĩa khi xét dưới góc độ một từ Hán Việt hay từ thuần Việt chỉ địa danh. Vậy nội hàm chữ “Lạng” ở đây là gì? Tại sao nó lại tham gia vào một từ chỉ địa danh?
Thành Nhà Mạc, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia – Ảnh: THANH SƠN |
Để góp phần làm sáng tỏ, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh đã có bài “Về chữ Lạng trong địa danh Xứ Lạng” (1) trình bày tại hội thảo khoa học “Xứ Lạng – Lạng Sơn” do tỉnh Lạng Sơn tổ chức tháng 10/1986 để chuẩn bị cho việc biên soạn Địa chí Lạng Sơn.
Theo tác giả Nguyễn Duy Hinh, để tìm hiểu từ “Lạng” ta cần xem xét dưới góc độ hai chuyên ngành khoa học: Địa danh học và Ngữ âm học. Trong đó liên quan đến ngôn ngữ, chữ viết Tày – Nùng, ngôn ngữ, chữ viết Việt với dạng chữ Nôm và từ Hán – Việt, đồng thời liên quan đến ngữ âm và chữ viết Hán cổ của Trung Quốc…
Về mặt địa danh học, khi con người tụ hội, sinh sống ở một nơi nào đó, thường người ta phải đặt một cái tên nhất định cho nơi mình ở nhằm khẳng định sự tồn tại của điểm cư trú, tức đơn vị xã hội của mình để phân biệt với những đơn vị xã hội khác và phục vụ cho sự giao tiếp xã hội. Thông thường địa danh phản ánh hoàn cảnh tự nhiên như: núi, sông, khe động, phương vị Đông – Tây – Nam – Bắc, hay những đặc điểm, sự tích hoặc tín ngưỡng nào đó… Nhưng rồi với thời gian, do sự phát triển của con người, các khu vực địa lý kết hợp với nhau thành những đơn vị hành chính lớn hơn, (nhiều thôn bản, hoặc nhiều đơn vị cấp xã, huyện, tỉnh kết hợp với nhau) thì các địa danh cũng thay đổi, hoặc kết hợp lại, hoặc đổi mới hoàn toàn, nhiều khi chuyển nghĩa một cách bất ngờ. Nhiều người chúng ta còn nhớ: khi Lạng Sơn và Cao Bằng sáp nhập với nhau thành tỉnh Cao Lạng; Bắc Ninh, Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc… thì rõ ràng những địa danh gốc đã bị biến đổi. Như vậy, không phải tất cả các địa danh đều có thể giải thích được cặn kẽ, vì không đủ điều kiện theo dõi diễn biến lịch sử của nó, chứ bản thân địa danh ban đầu, bao giờ cũng có một ý nghĩa nhất định.
Địa danh thường mang yếu tố bản địa, tức yếu tố tộc người bản địa đóng vai trò chủ thể sinh sống ở đó đã đặt tên cho nó. Sau vì nhiều lý do có thể đã biến âm đi. Ví dụ địa danh Nha Trang bắt nguồn từ “Yê t’rang” tiếng Chăm có nghĩa là “sông cỏ voi”. Các địa danh ở Tây Nguyên như: Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kon Tum… bắt nguồn từ tiếng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… bắt nguồn từ tiếng của đồng bào KhMe ở đây… Ở Lạng Sơn ta, các địa danh như: núi Phai Vệ, bắt nguồn từ “Phja Vẻn” (tiếng Tày – Nùng có nghĩa “núi khuyên tai”); Tri Mạc, Phai Trần, Phai Luông… bắt nguồn từ “Thi Mẹc” (đất trơn), “Phai Slần” (ao thần), “Phja Luông” (núi lớn)… Vì vậy, muốn hiểu ý nghĩa một địa danh, nhiều khi ta phải ngược dòng lịch sử của nó. Ở đây, để tìm hiểu địa danh “Lạng Sơn”, ta cần xem nó xuất hiện từ bao giờ.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, lần đầu tiên có ghi địa danh “Lạng Sơn” là: “Tân Tỵ, năm thứ 2 (981) mùa xuân, tháng 3, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn…”. (ghi sự việc Lê Hoàn chống quân Tống). Sau đó có khi ghi “Lạng Sơn”, có khi ghi “Châu Lạng”, hoặc Lạng Giang.
Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí khái quát: “Lạng Sơn, đời cổ là đất Lạc Long, Tần là quận Nam Hải. Hán thuộc quận Giao Chỉ, Đường đổi là Giao Châu. Đời Trần là lộ Lạng Giang. Buổi đầu nhà Lê cũng theo thế. Giữa năm Quang Thuận (1466) đặt làm thừa tuyên Lạng Sơn, có 1 phủ 7 châu thuộc vào”.
Như vậy, địa danh Lạng Sơn đã xuất hiện trong sử sách nước ta từ năm 981, các địa danh Lạc Long, Lục Hải, Lạng Giang, Lạng Châu, Lạng Sơn đều chỉ vùng đất ngày nay có tỉnh Lạng Sơn. Qua nhiều lần thay đổi tên, chữ “Lạng” vẫn được giữ nguyên. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh, ít ra từ thời Đường (thế kỷ thứ VII – X) địa danh “Lạng” đã ổn định.
Xét nghĩa theo từ Hán Việt hay thuần Việt, chữ “Lạng” không có nghĩa. Các nhà nghiên cứu thống nhất nhận định chữ “Lạng” trong địa danh “Lạng Sơn” là một từ phiên âm theo âm Hán một địa danh bản địa, không thuộc ngữ hệ Hán.
Lạng Sơn là vùng đất có số đông người Tày – Nùng sinh sống từ lâu đời. Về những địa danh người Tày – Nùng thường đặt, trong cuốn “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn – khu vực người Tày – Nùng đông đảo nhất, ta thường thấy những địa danh có từ “Khuổi” và “Lũng” (Lủng), như: Khuổi Bốc, Khuổi Cống, Khuổi Slao, Khuổi Nọi… hay Lũng Môn, Lũng Phi, Lũng Vài, Lủng Pa… Đó là những địa danh của người Tày – Nùng, do người Tày Nùng định danh. Ngày nay, “Khuổi” chỉ con suối, “Lũng” chỉ thung lũng.
Về mặt ngữ âm học và ngữ âm học lịch sử, từ “Lạng” chúng ta đang nghiên cứu được viết bằng một chữ Hán. Chữ Hán này có âm là “Lượng”, trong tiếng Trung Quốc hiện đại đọc Liang. Căn cứ vào Từ điển Khang Hy và Từ Hải, với dẫn chứng khoa học về mặt ngữ âm học và ngữ âm học lịch sử, tác giả Nguyễn Duy Hinh đã chứng minh rằng từ “Lũng” trong ngôn ngữ Tày – Nùng từ xưa đã được phiên âm thành từ Hán – Việt là “Lạng”.
Từ những căn cứ trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh đưa ra giả thuyết: Từ “Lạng” là một từ Hán – Việt cổ, bắt nguồn từ “Lũng” trong ngôn ngữ Tày – Nùng theo ngữ nghĩa cổ. Xứ Lạng là xứ sở gồm nhiều “Lũng” và như vậy, Xứ Lạng, Lạng Sơn có nghĩa là xứ sở của những thung lũng có núi cao đẹp – là xứ núi non hùng tráng mang nặng nghĩa tình gắn bó Việt – Tày – Nùng trong lịch sử.
HỮU SƠN
Ý kiến ()