Tìm hiểu 4 ông trùm của nền công nghiệp xe TQ
Báo chí thường hay nhắc đến những đại gia của nền công nghiệp ô tô phương Tây mà ít ai biết đến các ông trùm có ảnh hưởng nhất đến thị trường số 1 thế giới: Trung Quốc.
Cùng với sự bùng nổ của thị trường, nền công nghiệp ôtô Trung Quốc đang có những bước phát triển đáng kinh ngạc và những người đã, đang và sẽ có vai trò quyết định đến thị trường này, họ là ai? Hãy cùng chuyên trang China Car Times tìm hiểu về những nhân vật đáng nể này.
1. “Vua xe hơi” Li Shu Fu: Chủ tịch, người sáng lập hãng xe Geely
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó ở Hàng Châu, nhưng bằng khả năng học hỏi, quyết tâm làm giàu và sự may mắn, Li Shu Fu giờ đây trở thành một tỷ phú nắm trong tay hãng xe hàng đầu Trung Quốc, Geely.
Ông Li khởi nghiệp bằng nghề chụp ảnh cho các du khách rồi nhanh chóng chuyển sang kinh doanh đồ kim hoàn. Sau một thời gian, ông quyết định đầu tư vào dây chuyền sản xuất thủ công tủ lạnh và các phụ tùng thay thế với số vốn ít ỏi tích cóp được. Hãng Geely (trong tiếng Hoa có nghĩa là “chúc may mắn”) ra đời từ đó.
Lúc đầu, ông không mua bản quyền công nghệ hay sáng chế mà “nhái” các sản phẩm thuộc những thương hiệu tủ lạnh nổi tiếng rồi xuất khẩu với giá rẻ. Phương thức này mang lại khá nhiều lợi nhuận nhưng không lâu sau đó ông phải từ bỏ việc “nhái” các sản phẩm tủ lạnh do chính quyền Trung Quốc áp dụng biện pháp mạnh theo yêu cầu của WTO. Ngừng sản xuất tủ lạnh, Geely chuyển sang nhập mô tô của Nhật, Mỹ cho thị trường Trung Quốc và đến năm 1994, ông quyết định bắt đầu tự sản xuất mô tô bằng cách bắt chước sản phẩm của các hãng xe nổi tiếng.
Thu được lợi nhuận từ phương thức này, ông Li bỏ tiền mua một hãng sản xuất mô tô của nhà nước đang đứng bên bờ vực phá sản để hợp thức hóa dây chuyển sản xuất của mình. Rất nhanh chóng, Geely trở thành hãng sản xuất mô tô tư nhân lớn thứ 4 Trung Quốc và xe của Geely được xuất khẩu đến 22 nước trên thế giới, trong đó có cả các thị trường khó tính như Châu Âu và Mỹ. Chưa hài lòng với lĩnh vực 2 bánh, Li Shu Fu quyết định thử sức trong lĩnh vực sản xuất ôtô với mục tiêu sản xuất hàng loạt ô tô giá rẻ cho người Trung Quốc.
Năm 1998, ông thâu tóm một nhà máy sản xuất ô tô, chuyên sản xuất xe hơi loại nhỏ và bắt đầu sản xuất xe hơi giá rẻ với thương hiệu Haoging. Về kiểu dáng, chiếc Haoging rất giống chiếc Daihatsu Charade của Nhật Bản. Vẫn với phương thức quen thuộc học hỏi và bắt chước, những chiếc Geely giá rẻ dần chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Và mới đây, hãng xe Geely do ông sáng lập đã chính thức thâu tóm thương hiệu xe nổi tiếng của Thụy Điển Volvo với mức giá gần như cho không. Thương vụ này mở ra cơ hội bành trường ra toàn thế giới của Geely. Với đà phát triển hiện nay, khó để biết trong 5 năm tới, “vua xe hơi Trung Quốc” Li Shu Fu sẽ còn thâu tóm thương hiệu xe nào nữa.
2. Fu Shou Jie: CEO của Guangzhou Auto
Với báo chí phương Tây, Fu Shou Jie là một cái tên ít người biết đến nhưng tại Trung Quốc, ông là một người có ảnh hưởng, đã và đang giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp xe hơi nước này.
Fu Shou Jie sinh năm 1963 và có bằng tiến sĩ về kinh doanh. Với vai trò là người đứng đầu của Guangzhou Auto, ông đã tạo nên những thay đổi mang tính bước ngoặt cho hãng xe này. Dưới sự chỉ đạo của Fu Shou Jie, Guangzhou Auto liên tục tăng trưởng và bắt tay liên doanh với 2 hãng xe lớn của Nhật là Toyota và Honda.
Nhận thấy tiềm năng của dòng SUV, ông quyết định thâu tóm Changfeng Auto và những mẫu SUV của liên doanh này nhanh chóng được thị trường đón nhận. Doanh số bán hàng của Guangzhou Auto tăng hơn 40% chỉ trong một thời gian ngắn.
3. Ding Lei: CEO liên doanh Shanghai-GM
Ding Lei tốt nghiệp trường đại học Fu Dan với tấm bằng kỹ sư về nguyên tử. Ra trường, ông Ding đầu quân làm việc cho hãng xe Volkswagen tại Thượng Hải. Không lâu sau, ông chuyển sang làm việc cho dự án mang tên Shanghai Auto Pudong Project (tiền thân của công ty Shanghai-GM). Bằng tài năng của mình, ông nhanh chóng trở thành phó giám đốc phu trách chất lượng tại SAIC trước khi trở thành giám đốc điều hành của Shanghai-GM vào năm 2005.
Vào thời điểm đó, GM vẫn còn khá mông lung về chiến lược tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Ding Lei đã lên một kế hoạch phát triển và biến Trung Quốc thành thị trường lớn nhất của GM. Với chiến lược đúng đắn, Shanghai GM không chỉ có doanh số kỷ lục mà còn hỗ trợ GM North Bắc Mỹ trong công cuộc tái thiết hậu phá sản.
4. Wang Chuan Fu: CEO của hãng xe BYD
Wang sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ. Bố mẹ mất sớm nên Wang được anh chị nuôi và cho ăn học. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông theo học ngành hóa tại trường đại học công nghiệp Nam Trung và có bằng tiến sĩ năm 1990.
Ông làm việc vài năm trong một viện nghiên cứu của nhà nước trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh bằng việc sáng lập ra một công ty cho riêng mình, BYD vào năm 1995
Wang thành lập BYD khi mới 29 tuổi và giờ đây sau 15 năm, BYD trở thành công ty sản xuất pin điện thoại di động lớn nhất thế giới. Đầu năm 2009, Wang ghi tên mình vào danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes với tổng số tài sản hơn 1,3 tỷ USD và cuối năm 2009, ông nâng số tài sản của mình lên 5,1 tỷ USD và trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Không chỉ làm mưa gió trong ngành sản xuất pin cho điện thoại di động, BYD đã bước chân vào ngành công nghiệp ô tô sau khi mua một hãng xe bên bờ vực phá sản của nhà nước có tên Qing Yuan. Bằng cách nâng cấp dây chuyền sản xuất của Qingyuan, BYD cho ra một số mẫu xe mới bán chạy như BYD F3, F6.
Cùng với thế mạnh trong việc sản xuất pin, BYD nghiên cứu và chuẩn bị cho ra đời những chiếc xe điện và xe hybrid đầu tiên của Trung Quốc. BYD cũng không che giấu tham vọng bành trướng ra thị trường toàn cầu.
Ý kiến ()