Tìm giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt – Nga
Một trong hai nội dung chính của Hội thảo “Hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và LB Nga trong bối cảnh mới” là đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và LB Nga tiếp tục phát triển.
Khẳng định tiềm năng
Ngày 22-12, với sự nỗ lực của các bên, Hội thảo “Hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và LB Nga trong bối cảnh mới” đã diễn ra theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Trung tâm thương mại Hà Nội – Moscow (Incentra) ở Thủ đô Moscow (LB Nga), với sự tham gia đông đảo của đại diện các cơ quan, tổ chức, giới doanh nghiệp hai nước, cùng các nhà khoa học, giới nghiên cứu…
Từ Trung tâm thương mại Hà Nội – Moscow, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh khẳng định, hội thảo được tổ chức nhằm phân tích thực trạng hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và LB Nga trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cũng như kết quả thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU); đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển.
Trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga vượt khó đạt nhiều kết quả khả quan thời dịch Covid-19, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh, hai nước đang chứng kiến những xu hướng khá tích cực, điển hình là các lĩnh vực hợp tác mới xuất hiện, như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa, hình thành chuỗi giá trị mới trong thủy sản, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và tin học.
Cũng theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, LB Nga ngày càng biết đến và yêu thích nhiều mặt hàng của Việt Nam, như chè, cà-phê, thủy sản … Trong khi đó, hàng hóa LB Nga gần đây thể hiện sức cạnh tranh cao trên thị trường Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại LB Nga dẫn số liệu thống kê của LB Nga cho biết, kim ngạch thương mại giữa LB Nga và Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10-2020 đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Dương Hoàng Minh nhận định, trong những năm gần đây, Việt Nam và LB Nga đã trở thành đối tác quan trọng của nhau trong hợp tác kinh tế thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của LB Nga trong các nước ASEAN.
Từ phía LB Nga, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác đa phương và các dự án đặc biệt thuộc Bộ Phát triển kinh tế LB Nga Pavel Kalmychek thông báo, dù dịch Covid-19 khiến trao đổi hàng hóa gặp khó khăn, song kim ngạch thương mại giữa LB Nga và Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Nga đang tích cực xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Các mặt hàng có nhiều tiềm năng vào Việt Nam gồm nguyên liệu công nghiệp, hải sản đông lạnh, lúa mì, gỗ, phân bón hóa học…
Tập trung tìm giải pháp
Khẳng định quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và LB Nga vẫn ở mức khiêm tốn, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại LB Nga tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp hai nước tận dụng các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EAEU để thúc đẩy trao đổi kinh doanh; đồng thời tích cực tham gia triển lãm, hội chợ nhằm kết nối đầu tư.
Cũng theo ông Dương Hoàng Minh, hiện Việt Nam và LB Nga đang có nhu cầu lớn về hàng nông sản của nhau, do đó, đề nghị hai nước tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, phát triển quan hệ thương mại theo hướng quan trọng này, trong đó có việc tăng số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường hai nước. Hiện 40 công ty Nga có quyền xuất khẩu thịt sang Việt Nam, trong khi 30 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản sang LB Nga.
Bàn về những hạn chế gây khó khăn cho các doanh nghiệp hai bên, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga – Việt, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, Hội hữu nghị Nga – Việt, Regina Budarina nhận định, khó khăn trong công tác hậu cần đã ảnh hưởng cả giá cả lẫn chất lượng hàng hóa. Theo bà Budarina, hai nước cần phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như hậu cần, gồm cảng trung chuyển và kho lạnh. Dù các nhà cung cấp từ châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương đến Việt Nam sớm hơn nhiều so với Nga, song quan hệ hữu nghị và hợp tác văn hóa lâu đời giữa LB Nga và Việt Nam có tác động tích cực đến triển vọng tăng trưởng thương mại.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các đoàn hai bên không thể trực tiếp gặp gỡ, việc tìm kiếm đối tác tại Việt Nam được phía LB Nga triển khai theo hình thức đàm phán trực tuyến. Theo đại diện Hội hữu nghị Nga-Việt, hình thức này cũng mang lại nhiều điều tích cực, minh chứng là nhiều hợp đồng thương mại được ký kết.
Vitaly Mankevich, Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga – châu Á đề cao mối quan hệ hợp tác giữa LB Nga và Việt Nam; khẳng định, các lĩnh vực hợp tác Nga – Việt triển vọng nhất hiện nay là sản phẩm nông nghiệp và giải pháp công nghệ thông tin. Song hành với việc thúc đẩy các hội nghị, hội thảo trực tuyến, Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga – châu Á đã cho ra mắt nền tảng kinh doanh trên website chính thức của tổ chức, nhằm giúp tìm kiếm đối tác thương mại và nhà đầu tư tại Nga và châu Á.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm cơ hội của cả Việt Nam và Nga khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết. Đại diện Trung tâm Chiến lược Nga tại сhâu Á khẳng định, RCEP mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp liên doanh xúc tiến hàng hóa tại châu Á, góp phần thúc đẩy thực hiện chiến lược hiện diện của Nga ở châu Á, song đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích cực hơn trong nắm bắt cơ hội.
Ý kiến ()