Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới.
Chiều 17/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, chủ trì cuộc họp của giữa Ban Chỉ đạo và sáu nhóm ngân hàng tài trợ cho Việt Nam .
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo và đại diện sáu nhà tài trợ gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Cuộc họp nhằm thống nhất các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong bối cảnh những năm gần đây tỷ lệ giải ngân của sáu nhóm ngân hàng có xu hướng giảm.
Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA , vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới, trong đó khoảng 80% là của sáu nhóm ngân hàng trên.
Trong số 80 tỷ USD có 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại.
Kết quả trên thể hiện nỗ lực và sự chủ động của Việt Nam trong việc tìm kiếm, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Các nhà tài trợ đều có chung đánh giá Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay và đây cũng là một trong những lý do các nhà tài trợ vẫn tiếp tục cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong những năm qua.
Việt Nam đạt tỷ lệ cao về số lượng dự án hoàn thành và đạt kết quả phát triển, cùng các mục tiêu đề ra. Theo báo cáo đánh giá kết quả các dự án JICA, ADB, WB, các dự án của cả ba nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả cao hơn, tốt hơn các quốc gia khác (Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Sri Lanka).
Năm 2018, tổng số vốn cam kết của sáu nhóm ngân hàng là 28,9 tỷ USD nhưng vốn cam kết chưa giải ngân hiện vẫn ở mức cao, khoảng 16,9 tỷ USD, bằng khoảng 7% GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỷ lệ giải ngân tại Việt Nam giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của sáu nhóm ngân hàng, trong đó tỷ lệ giải ngân toàn cầu của ADB và WB năm 2018 lần lượt là 21% và 20,2%. Nếu Việt Nam đạt được tỷ lệ giải ngân 21% trong năm 2018, sẽ giải ngân thêm được 1,8 tỷ USD, bằng khoảng 0,75% GDP của đất nước.
Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do các quy định về thủ tục còn phức tạp, trùng lặp; mức độ sẵn sàng của dự án thấp… Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân chậm dẫn đến dự án bị trì hoãn, thậm chí không đạt được kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, do đó làm giảm tác động đến tăng trưởng GDP.
Thực trạng trên đòi hỏi cam kết và nỗ lực mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, đồng thời phải có những giải pháp để giải quyết từng nút thắt cụ thể, trong đó có việc sáu nhóm ngân hàng phát triển phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Phát biểu thay mặt sáu nhóm ngân hàng phát triển, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết sáu nhóm ngân hàng có mục tiêu rất rõ ràng, đó là hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam đạt được hiệu quả tốt nhất trong sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giúp phát triển kinh tế, xã hội.
Liên quan đến nội dung này, ông Eric Sidgwick cho rằng có những quan ngại liên quan đến trần nợ công của Việt Nam và việc Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) và IDF (Quỹ phát triển thể chế).
Sáu nhóm ngân hàng phát triển nhận thấy điểm quan trọng hiện nay là làm thế nào các khoản vay từ nhóm đã được phê duyệt từ phía Chính phủ Việt Nam, cũng như từ phía ban lãnh đạo của sáu nhóm ngân hàng được giải ngân để có hiệu quả tốt nhất. Điều này cần nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam cũng như của các bên, để hướng tới đối tượng hưởng lợi của các chương trình, dự án.
Đánh giá công tác giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Việt Nam hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả, ông Eric Sidgwick cho biết, phía sáu nhóm ngân hàng phát triển đã đưa ra sáu công việc mang tính chất hệ thống còn có điểm hạn chế và hai bên cần phải giải quyết.
Đó là thủ tục và quy trình, các quy định hiện tại của Chính phủ Việt Nam; mức độ sẵn sàng của các dự án; kế hoạch đầu tư công trung hạn; kế hoạch phân bổ ngân sách đối với nguồn vốn ODA; các quy trình, thủ tục liên quan đến cho vay lại; các quy trình và yêu cầu liên quan tới giải ngân.
Ông Eric Sidgwick cho rằng thời gian tới, trong môi trường hiện nay và bối cảnh Việt Nam chuyển sang nền kinh tế có mức thu nhập cao hơn, các nhóm ngân hàng phát triển cũng có những hướng đi phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của Việt Nam, để từ đó các khoản vay ODA và khoản vay ưu đãi sẽ tạo thêm giá trị gia tăng cao hơn, đáp ứng hơn nữa nhu cầu của Việt Nam.
Ông Eric Sidgwick đánh giá, Việt Nam cần có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, nguồn vốn của sáu nhóm ngân hàng phát triển vẫn khá hấp dẫn và có tính chất cạnh tranh, đồng thời là nguồn bổ sung cho các nguồn vốn khác trong nước.
Theo ông Eric Sigwick, nhóm cũng tài trợ cho các chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng có mức ưu tiên cao; từ đó, thúc đẩy và tăng cường hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn từ sáu nhóm ngân hàng phát triển để thu hút thêm sự tham gia tài trợ của khu vực tư nhân cũng như đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao công nghệ và tri thức.
Tuy nhiên, ông Eric Sidgwick nhận định, việc chuẩn bị các chương trình, dự án thuộc nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn kéo dài do các quy trình thủ tục khá phức tạp, thay đổi thường xuyên, thiếu sự ưu tiên cũng như các quy trình mang tính chất rõ ràng.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu sự thống nhất trong phê duyệt các dự án cũng như điều phối các nguồn vốn tài trợ từ nhóm ngân hàng. Theo ông Eric Sidgwick, điều này có thể thực hiện được khi đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuẩn bị đầu tư công trung hạn giai đoạn tới. Các nhóm ngân hàng rất mong muốn có cơ hội xây dựng khung hợp tác chung để hỗ trợ cho quá trình triển khai chiến lược đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021.
Ông Eric Sidgwick cam kết sáu nhóm ngân hàng sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tối đa để đạt được kết quả mong đợi; mong muốn tiếp tục có các cuộc trao đổi giữa hai bên để theo dõi và đạt được những tiến bộ trong giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Tại cuộc họp, đại diện sáu nhóm ngân hàng và các bộ, ngành địa phương của Việt Nam đã cùng nhau thảo luận tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân nhanh các chương trình, dự án có nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá Việt Nam là nước sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi như bản trình bày của đại diện sáu nhóm ngân hàng và đánh giá chung của 3/6 nhóm ngân hàng.
Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. “Nhưng chúng ta cũng thấy rằng tại sao năm 2017-2018, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này là rất thấp nếu so với tình hình giải ngân của các nước.
Trong các cuộc họp hàng tháng của Chính phủ đều nêu vấn đề giải ngân vốn đầu tư công nói chung thấp và chậm, trong đó có vốn ODA. Chính phủ nhận thấy như vậy và cũng đã báo cáo với Quốc hội về tình trạng vấn đề giải ngân trong thời gian vừa qua,” Phó Thủ tướng đề cập.
Theo Phó Thủ tướng, qua hội nghị này có thể nhìn nhận rõ hơn những khó khăn cản trở trong quá trình thực hiện các dự án ODA, vốn vay ưu đãi thời gian qua, do đó Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở các khuyến nghị của sáu nhóm ngân hàng cũng như các bộ, ngành Việt Nam.
Đó là, tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; rút ngắn thời gian khởi động thực hiện các dự án. “Đây là vấn đề hết sức quan trọng, chúng ta làm sao giải ngân để đưa dự án vào nhanh. Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn ODA nói chung và vốn vay ưu đãi, để hiệu quả thì phải thực nghiêm các luật và quy định,” Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, xây dựng quy trình thủ tục cụ thể, rõ ràng, nhất quán về lập thẩm định và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm đối với nguồn vốn nước ngoài trên nguyên tắc minh bạch hóa thông tin, trao đổi thường xuyên để bố trí vốn kế hoạch phù hợp; xác định rõ những hạng mục mang tính chi thường xuyên và chi đầu tư đầu tư phát triển để tạo thuận lợi cho việc xây dựng dự án, kế hoạch thanh quyết toán.
Cũng theo Phó Thủ tướng, cần có sự xem xét điều chỉnh tỉ lệ cho vay cho chính quyền địa phương phù hợp với từng lĩnh vực. Trong bối cảnh Việt Nam tốt nghiệp IDA và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngày càng hạn hẹp, thì vấn đề đặt ra là hiệu quả của các nguồn vay và tăng tính trách nhiệm của người vay để tăng tính hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với các nhà tài trợ thường xuyên kiểm điểm tình hình, đánh giá giải ngân các dự án, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới, những kiến nghị và ưu tiên của hai bên cho thấy cùng mục tiêu làm sao tiếp tục thu hút, huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian tới; khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục cần vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, đó là nguồn lực rất cần để thu hút nguồn lực phát triển cho thời gian tới.
Về giai đoạn 2019-2020, huy động và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, nhận thấy rằng khả năng huy động bên ngoài vẫn còn nên Chính phủ đã chủ động đề xuất nâng nguồn vay vốn nước ngoài từ 300.000 tỷ đồng lên 360.000 tỷ đồng và Quốc hội đã đồng ý. Đó là cơ sở để cơ cấu lại danh mục đã ký kết để sử dụng nguồn vốn này.
Về định hướng ODA trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ xây dựng khung hợp tác phát triển để xác định rõ khả năng huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho giai đoạn 2021-2025./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()