Tìm giải pháp phòng, chống lũ quét và sạt lở đất hiệu quả
Lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với người và tài sản ở các tỉnh miền núi nước ta. Mặc dù với quy mô không lớn, nhưng lại khó dự báo chính xác, vì vậy công tác phòng tránh phải tập trung theo hướng "phòng là chính".
Ác mộng lũ quét, sạt lở đất Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2014 được tổ chức tại Hà Nội sáng 20-8, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người, hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi, hơn 100 nghìn căn nhà bị ngập, hư hại nặng. Hơn 75 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập; hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng nặng nề, tổng thiệt hại ước tính hơn 3.300 tỷ đồng… Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất là: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Bình Thuận.
Mặc dù công tác chỉ đạo đối phó với lũ quét, sạt lở đất đã được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương quan tâm, song qua thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng người chết, nhà đổ sập do lũ quét, sạt lở đất vẫn xảy ra. Thậm chí có địa phương thiệt hại về bão không đáng kể, nhưng lại mất nhiều người và tài sản vì hoàn lưu của bão gây mưa lũ, sạt lở đất. Quyền Cục trưởng Quản lý đê điều và PCLB Vũ Văn Tú cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và mưa lớn đã xảy ra các trận lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh miền núi phía bắc, làm chết và mất tích 32 người, trong đó có hai gia đình ở thị trấn Tam Đường và huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) bị thiệt mạng tới năm người trong nhà.
Điều đáng nói ở đây là, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết quả điều tra, đánh giá và phân vùng trên địa bàn 10 tỉnh miền núi phía bắc có 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở đất và 2.110 điểm có nguy cơ bị sạt trượt lớn, rất lớn để các địa phương có biện pháp phòng tránh, nhưng nhiều địa phương vẫn chủ quan, còn một bộ phận người dân thì bất cẩn, trong khi công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát của chính quyền các cấp nhất là ở cơ sở chưa quyết liệt, đến khi thiệt hại xảy ra mới tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn rầm rộ, rồi tổng kết, rút kinh nghiệm… thì đã muộn.
Không để nước đến chân mới nhảy Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, mùa mưa lũ năm nay, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn rất cao. Trong đó lưu ý nơi có khả năng rủi ro cao do lũ quét nhất là các tỉnh vùng Tây Bắc – khu vực có độ dốc cao, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn. Vì vậy để bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là “phòng là chính”.
Trước mắt, các địa phương trên cơ sở kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có kế hoạch di dời người dân sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Mặt khác tổ chức khơi thông dòng chảy, mở rộng diện tích rừng trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ đất, ngăn lũ.
Một giải pháp nữa không thể thiếu nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra là tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Về lâu dài, cần ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ cho các địa phương hoàn thành sớm kế hoạch di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đẩy nhanh tiến độ các chương trình di dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng, di dân tái định cư, chương trình hỗ trợ người nghèo, phân vùng và xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các bộ, ngành trung ương cần hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn; rà soát quy hoạch sử dụng đất lồng ghép với yêu cầu phòng, chống thiên tai và chú ý ưu tiên thích đáng đất ở, đất canh tác cho các hộ tái định cư khi phải di dời khỏi nơi ở cũ thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng.
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất trong phòng, chống thiên tai nói chung và các loại hình thiên tai như lũ, lũ quét và sạt lở đất nói riêng là phải bảo đảm an toàn tính mạng của người dân trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Các địa phương cần rà soát những điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, trên cơ sở này xây dựng “bản đồ vùng nguy hiểm” và triển khai kế hoạch ứng phó như tổ chức di dời người dân vùng nguy hiểm; đầu tư các trạm quan trắc, cảnh báo sớm về thiên tai cho nhân dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()