Tìm giải pháp ổn định xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, EU
Song song các giải pháp tích cực của Chính phủ trong việc ổn định xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, EU thì mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực tìm kiếm những phương thức kinh doanh hiệu quả để vượt qua rào cản của thị trường này.
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong hội thảo “Nhận diện rủi ro xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU và phương thức bảo vệ cho nhà lãnh đạo, doanh nghiệp”, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/8. Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, hoạt động xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2014 của cả nước vẫn khả quan, mức tăng trưởng là 15%, đặc biệt xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục duy trì ổn định. Triển vọng thị trường đối với những quốc gia này đang tốt nhưng vẫn bộc lộ nhiều khó khăn như: hệ lụy từ vấn đề nội tại nền kinh tế trong nước và thế giới; rào cản kỹ thuật, hàng rào thương mại; tập quán kinh doanh; điều kiện sản xuất của doanh nghiệp… Vì vậy, thời gian gần đây, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện thương mại tại một số thị trường, trong đó Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu được đánh giá là thường xuyên áp dụng các phương thức rào cản thương mại lên hàng nhập khẩu vào thị trường này. Với kinh nghiệm nhiều năm tại thị trường Mỹ, ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc khu vực Đông Dương của Tập đoàn Fedex chia sẻ: Trước khi xuất các mặt hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm, dược phẩm… doanh nghiệp hãy tìm hiểu các thông tin quy định về hàng hóa trên website của Hải quan Mỹ để thực hiện đúng các quy định. Ngay cả khi hàng hóa chưa về tới cảng, các cơ quan quản lý hàng hóa của Mỹ đã tiến hành kiểm tra thông tin về nguồn gốc hàng hóa thông qua truy xét từ mã số doanh ngiệp, cá nhân nhận hàng hóa ở Mỹ. Khi hàng cập cảng, nếu phát hiện hàng không đáp ứng đúng các tiêu chuẩn, lập tức Hải quan Mỹ sẽ thông báo ngay cho người nhận hàng. Đánh giá về các vụ kiện hay hàng hóa nhập khẩu vào bị Mỹ, EU, áp lệnh nhà xuất khẩu thu hồi, đưa ra khỏi thị trường, ông Fred Burke, Giám đốc Công ty Baker McKenzie cho biết: Những vụ hàng hóa của Việt Nam bị thu hồi phần lớn là do không đáp ứng đúng tiêu chí hàm lượng hóa chất, kỹ thuật; thiết kế sản phẩm không đảm bảo về sự an toàn cho người sử dụng… Mặt khác, đặc thù của thị trường Mỹ, EU là người tiêu dùng sẽ khởi kiện đơn phương hoặc khởi kiện tập thể đối với nhà sản xuất nếu trong quá trình sử dụng hàng hóa gây ra những tổn hại cho sức khỏe. Các chuyên gia thống nhất quan điểm rằng: Để hạn chế thấp nhất các rủi ro, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động tuân thủ các điều kiện về hàng hóa mà thị trường xuất khẩu quy định, cung cấp đầy đủ thông tin trên chứng từ kèm theo hàng hóa. Đặc biệt, những thông tin cung cấp trên bao bì sản phẩm phải chuẩn xác, rõ ràng và có ghi chú cảnh báo khi sử dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý đến tham vấn của các tổ chức am hiểu luật pháp thương mại, thông lệ quốc tế về các điều khoản đối với hợp đồng cung cấp hàng hóa cho đối tác tại thị trường Mỹ, EU. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()