Tìm giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các bệnh viện công lập
Sáng 18/1, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập: Vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN”.
Hình ảnh tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho rằng: Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập qua một thời gian thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực song còn không ít những tồn tại, vướng mắc. Việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại vào ngân sách Nhà nước (NSNN); chưa khuyến khích tăng mức độ tự bảo đảm nguồn kinh phí; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để bệnh viện công lập thực hiện chưa đồng bộ, chậm sửa đổi; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chưa được chú trọng, còn những hạn chế…
“Tất cả những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các bệnh viện công lập”, Phó Tổng KTNN khẳng định
Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên nêu rõ: Đối với cơ quan KTNN, công tác kiểm toán trong lĩnh vực y tế hiện mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng dụng tài chính công, tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với NSNN mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Xuất phát từ thực tế trên, Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập- Vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN” nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực y tế.
Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện; Quốc hội, HĐND các cấp giám sát tốt việc quản lý lĩnh vực y tế. Hội thảo cũng nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện hạn chế trong cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập và vai trò của KTNN.
Trong tham luận Hội thảo, Bộ Y tế cho biết đến nay, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các nhóm quy định tại Nghị định số 43, Nghị định số 16.
Hiện đã có 23 bệnh viện thuộc Bộ Y tế tự bảo đảm được toàn bộ chi thường xuyên. Giảm cấp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng/năm để chuyển sang mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); các bệnh viện thuộc Bộ đã giảm được 25.362 người hưởng lương từ NSNN, với số tiền khoảng 2.127 tỷ đồng/năm.
Hầu hết các đơn vị đã rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, xây dựng lại điều lệ tổ chức cho đơn vị mình. Trên cơ sở đó tổ chức lại, sáp nhập hoặc chia tách, giải thể các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả hoặc chưa phù hợp chức năng nhiệm vụ để thành lập các tổ chức mới.
Bộ Y tế cũng cho rằng, việc cho phép các đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động được tự quyết định số lượng người làm việc đã tạo điểu kiện cho các đơn vị quyết định và tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực để phục vụ các hoạt động với chất lượng ngày càng được nâng cao. Các đơn vị đã tổ chức sắp xếp lại nhân sự, một người có thể làm được nhiều việc, đảm bảo phân công đúng người đúng việc, đúng sở trường.
Tuy nhiên, một trong những bất cập hạn chế hiện nay là nếu các đơn vị tự quyết trong thành lập, giải thể có thể dẫn đến các đơn vị sẽ giải thể các khoa, bộ phận không có thu nhập, hoặc nguồn thu thấp để phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu. Trong khi đó, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.
Bộ Y tế đề nghị cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ của các đơn vị dự toán cấp dưới. Có cơ chế tự chủ cho các đơn vị dự toán độc lập thuộc các đơn vị sự nghiệp công, được giao thẩm quyền trong việc quyết định biên chế, đấu thầu, không phải thông qua đơn vị dự toán cấp trên.
Chuyên gia Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện có khoảng 150 văn bản pháp luật liên quan đến cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập nhưng lại chưa quy định rõ ràng. Do đó, các quy định này giống như hệ thống hàng rào dựng lên khiến các bệnh viện công lập muốn thực sự tự chủ rất khó lọt qua. “Nếu hoạt động bình thường thì không có vấn đề gì nhưng khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và nhân viên y tế rất lớn”, chuyên gia này phân tích.
Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, việc tăng doanh thu đang là áp lực thường trực của các bệnh viện tự chủ. Để tăng doanh thu, nhiều bệnh viện đã tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh lên mức trần, mặc dù chất lượng không tăng, hoặc tăng không tương xứng.
Hơn nữa, khi các cơ sở khám chữa bệnh tăng thu có thể dẫn đến tình trạng chèo kéo bệnh nhân, khám chữa bệnh vượt tuyến, từ đó tạo áp lực đến các bệnh viện tuyến trên. “Các bệnh viện tuyến trên cũng không có động lực để giảm tải bởi áp lực về tăng số thu của cơ sở khám, chữa bệnh. Một số lãnh đạo bệnh viện nói với tôi rằng, bệnh viện đang sống nhờ quá tải. Tình trạng này cho thấy giảm tải bệnh viện chỉ nằm trên khẩu hiệu mà khó có thể đi vào thực tiễn”, TS. Lê Đình Thăng nêu quan điểm.
Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với cấp có thẩm quyền là cần có cơ chế giám sát, kiểm tra phù hợp đối với việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính công tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, có biện pháp để tăng doanh thu hợp pháp của các bệnh viện, khắc phục tình trạng mất cân đối về tỷ lệ bệnh nhân tại các bệnh viện hiện nay.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()