Tìm giải pháp đẩy mạnh truyền thông phát triển văn hóa đọc
Lần đầu tiên có một cuộc gặp “bàn tròn” giữa những người làm xuất bản và các cơ quan báo chí, truyền thông để cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy truyền thông cho văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Độc giả đang quan tâm nhiều hơn đến những sự kiện sách.
Không khó để thấy, hiện nay báo chí truyền thông đã dành sự quan tâm đáng kể đến việc quảng bá, mở rộng, phát triển văn hóa đọc. Nhiều báo in, báo điện tử, đài truyền hình đã xây dựng riêng những chương trình giới thiệu sách hằng ngày, hằng tuần. Có thể kể đến VTV3 với “Cà phê sáng”, Truyền hình VOV với “Sách và cuộc sống”, các mục Góc đọc sách, giới thiệu sách mới, trò chuyện về sách… của nhiều báo điện tử.
Chơi trò chơi, giao lưu nhân dịp ra mắt sách tại Nhà xuất bản Kim Đồng. |
Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sách đơn thuần, nhiều đơn vị báo chí, truyền thông còn tổ chức các buổi trò chuyện, trao đổi về sách dưới dạng talkshow, thu hút sự tương tác của độc giả bằng những phần quà là những cuốn sách, góp phần đưa sách đến gần hơn với người đọc.
Ngoài các cơ quan báo chí, truyền thông, nhiều đơn vị làm xuất bản hiện nay cũng rất nhanh nhạy và năng động trong việc truyền thông, quảng bá, đưa sách đến với người đọc một cách trực tiếp và nhanh nhất.
Chương trình giao lưu với tác giả trinh thám Pháp Michael Busi thu hút rất đông bạn đọc. Cuối buổi, bạn đọc trẻ xếp hàng dài chờ tác giả ký sách. |
Ngoài việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sách trên các trang mạng xã hội, các đơn vị này còn thành lập các nhóm đọc sách, liên tục có những hoạt động game mini, tặng quà, đọc sách trả review… thu hút sự tương tác rất lớn của độc giả.
Tùy theo từng thế mạnh của các đơn vị về mỗi dòng sách mà có các nhóm bạn đọc phù hợp, như sách thiếu nhi, sách kinh điển, sách trinh thám, sách văn học, sách lịch sử, kiến thức… Và không ngạc nhiên khi có những đơn vị đã sở hữu những đầu sách ăn khách, liên tục tái bản để đáp ứng nhu cầu bạn đọc thông qua những hình thức quảng bá này.
Các em học sinh tham dự một sự kiện giao lưu sách ở Phố Sách Hà Nội. |
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chia sẻ, báo chí truyền thông là một trong những kênh quan trọng đối với việc giới thiệu sách, làm cầu nối để bạn đọc có thể lựa chọn những cuốn sách tốt nhất, chất lượng nhất. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng các chuyên mục riêng cho sách.
Tuy nhiên khi tiếp cận thông tin từ phía các nhà xuất bản lại khá khó khăn. Một số đơn vị xuất bản còn cũ kỹ, lạc hậu trong tư duy, cho rằng chỉ cần thực hiện đúng theo kế hoạch, làm nội dung và phát hành sách ra thị trường là xong, không cần quảng bá, giới thiệu.
Cũng có những đơn vị băn khoăn về tài chính, chi phí để quảng bá cho sách, khi việc kinh doanh sách thường không đem lại lợi nhuận cao như những mặt hàng thông thường khác, lại gặp nhiều rủi ro do dễ bị làm giả, in lậu, in nhái, hoặc không phù hợp với gu của người đọc…
Các hội sách của các đơn vị xuất bản thu hút rất đông độc giả tìm mua sách. |
Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh, hiện tại có những đơn vị trong ngành xuất bản chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của truyền thông trong quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều đơn vị vẫn quen với cách tiếp cận cũ trong tư duy và điều hành. Chính vì thế, sách nhiều khi trở nên “áo gấm đi đêm”, có sách hay, sách tốt nhưng bạn đọc không biết đến nhiều. Đó là lý do mà các đơn vị xuất bản cần thay đổi để theo kịp xu hướng phát triển của ngành.
Cùng với giao lưu ra mắt sách, việc bổ sung những hoạt động nho nhỏ thú vị cũng góp phần thu hút bạn đọc. Trong ảnh là buổi giới thiệu các loại cà phê trong dịp ra mắt cuốn sách “Bản đồ thế giới cà phê” của Nhã Nam. |
Văn hóa đọc hiện nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ V, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo rất cụ thể về việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, gắn với chuyển đổi số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo sát sao về việc đẩy mạnh các chương trình truyền thông, quảng bá sách. Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho rằng, đây là cơ hội rất lớn, cần phải tận dụng để thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc trong thời gian tới.
Bạn đọc xếp hàng chọn sách và chờ thanh toán ở gian hàng của Nhã Nam tại Hội sách Hà Nội 2022. |
Thời gian gần đây, văn hóa đọc đã có những bước phát triển đáng kể so với trước.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, số lượng xuất bản phẩm đạt 6 cuốn/đầu người, mặc dù còn rất nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế… Đây là con số cực kỳ ấn tượng, nếu so với những năm trước đây có lúc chưa đến 1 cuốn/đầu người (0,8 cuốn/năm vào năm 2013), và cũng là con số mà “20 năm qua chúng ta đã rất nỗ lực nhưng chưa đạt được”, theo lời ông Nguyễn Nguyên.
Cái bắt tay giữa các đơn vị xuất bản và báo chí, hai ngành vốn được coi là cùng một “nhà” dưới sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, hy vọng sẽ mở ra những bước phát triển mới trong việc quảng bá, truyền thông sách, đưa sách đến gần hơn với người đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nguồn:https://nhandan.vn/tim-giai-phap-day-manh-truyen-thong-phat-trien-van-hoa-doc-post764693.html
Ý kiến ()