Tìm được con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta.Từ bối cảnh lịch sử...Rạng sáng 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng tại Đà Nẵng, bắt đầu chính thức xâm lược Việt Nam. Trước sự xâm lăng tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp, triều đình phong kiến Việt Nam từng bước nhượng bộ và đầu hàng. Sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp không chỉ làm cho dân tộc ta mất độc lập, chủ quyền mà còn kìm hãm đất nước ta trong vòng lạc hậu. Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược giành lại độc lập cho nước nhà là một đòi hỏi bức thiết của dân tộc ta.Sau thất bại của các phong trào yêu nước theo các khuynh hướng chính trị khác nhau, cách mạng nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước. Vấn đề đặt ra lúc này là cần và phải tìm ra một...
Tìm được con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta.
Từ bối cảnh lịch sử…
Rạng sáng 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng tại Đà Nẵng, bắt đầu chính thức xâm lược Việt Nam. Trước sự xâm lăng tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp, triều đình phong kiến Việt Nam từng bước nhượng bộ và đầu hàng. Sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp không chỉ làm cho dân tộc ta mất độc lập, chủ quyền mà còn kìm hãm đất nước ta trong vòng lạc hậu. Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược giành lại độc lập cho nước nhà là một đòi hỏi bức thiết của dân tộc ta.
Sau thất bại của các phong trào yêu nước theo các khuynh hướng chính trị khác nhau, cách mạng nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước. Vấn đề đặt ra lúc này là cần và phải tìm ra một con đường cứu nước khác với con đường phong kiến và con đường dân chủ tư sản. Chính trong hoàn cảnh đặc biệt đó, xuất hiện một con người của lịch sử: Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này). Lịch sử đã ghi lại một sự kiện quan trọng: ngày 5-6-1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời cảng Sài Gòn bắt đầu một hành trình dài tìm đường cứu nước.
Nguyễn Sinh Cung (tên thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh) sinh ngày 19-5-1890 tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Trùa), thuộc xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Quê nội của Nguyễn Sinh Cung là làng Kim Liên (làng Sen), cách Hoàng Trù
2 km, cạnh một quả đồi không cao mà dân làng vẫn quen gọi là núi Chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình nhà Nho nền nếp, mang những nét đặc trưng của xã hội Việt Nam thời phong kiến. Cha của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ Phó bảng trong kỳ thi hội năm 1901, nhưng nhiều năm liền trì hoãn việc vào kinh đô nhậm chức. Mẹ của Người là bà Hoàng Thị Loan, một người phụ nữ Việt Nam điển hình, làm nghề nông và dệt vải, tần tảo nuôi chồng con ăn học. Được nuôi dưỡng bởi những truyền thống ngàn đời của đất nước, của quê hương xứ Nghệ; của ý chí học tập và sự kiên nhẫn của người cha, của tâm hồn và tình cảm của người mẹ hiền, cậu bé Nguyễn Sinh Cung và anh chị em của mình ngay từ khi còn nhỏ tuổi đã biết nói những điều hay, làm những việc tốt, giàu lòng vị tha, nhân ái, chan hòa trong nghĩa cử đồng bào.
Đặc biệt, người cha đã ảnh hưởng rất nhiều, nếu không nói là nhiều nhất, đến sự hình thành và phát triển tính cách của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Là nhà giáo, kiến thức cũng như cách nhìn nhận cuộc sống mà cụ Nguyễn Sinh Sắc truyền cho con đã tác động mạnh mẽ đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành sau này. Nguyễn Tất Thành được nghe nhiều chuyện qua các buổi bàn luận thời cuộc giữa các thầy với các sĩ phu yêu nước khác. Nguyễn Tất Thành dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất, nhà tan. Tháng 9-1905, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được cha xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp bản xứ ở thành phố Vinh. Việc vào học trường Pháp bản xứ là bước khởi đầu rất quan trọng để Nguyễn Tất Thành có điều kiện khám phá từ 'Pháp'. Chính tại đây, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên biết tới ba chữ Pháp 'LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ' (Tự do, Bình đẳng, Bác ái) được sơn vào gỗ, gắn ở phía trên bảng đen. Năm 1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc ra nhận chức quan ở Huế. Cụ bày tỏ: 'Muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù'(1). Năm học 1908-1909, Tất Thành và Tất Đạt chuyển sang học Trường Quốc học Huế. Càng tiếp cận với nền văn minh Pháp qua sách vở, Nguyễn Tất Thành càng muốn tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của Tây Âu. Đồng thời, những năm tháng học ở Trường Quốc học Huế còn giúp cho Nguyễn Tất Thành có điều kiện hiểu rõ bản chất của bọn thực dân với cái gọi là 'khai sáng thuộc địa'. Những điều thầy dạy ở trường khác xa với cuộc sống, với thân phận của người dân mà Nguyễn Tất Thành phải chứng kiến hằng ngày. Đó cũng là một trong những lý do, luận giải về quyết định rời Tổ quốc, sang phương Tây tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành sau đó.
…đến hình thành một quyết định đúng đắn
Chủ trương muốn đi nước ngoài, 'xem xét họ làm như thế nào', rồi 'sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta' là chọn lựa, là quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lúc bấy giờ như chính Người đã xác nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Nga Ô-xíp Man-đen-xtam khi sang Nga năm 1923: 'Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài'(2).
Ngày 5-6-1911, khi bước chân xuống tàu La-tút-xơ Tơ-rê-vin để xuất dương tìm đường cứu nước, ngoài chút kiến thức học được ở trường và đôi bàn tay sẵn sàng làm đủ nghề, hành trang của Nguyễn Tất Thành chỉ là lòng yêu nước và yêu thương con người sâu sắc. Quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một bản lĩnh vượt lên chính mình. Đó là:
Trước hết, Người đã vượt qua phương thức chống giặc cứu nước truyền thống. Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, sớm thông tỏ đạo Thánh hiền, nhưng Nguyễn Tất Thành đã không tìm con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến (Nho giáo) – vốn đã lỗi thời, kìm hãm, làm chậm bước tiến của dân tộc.
Thứ hai, Người đã vượt qua lập trường dân chủ tư sản Việt Nam, lập trường dân chủ tư sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đồng thời phê phán tính không triệt để của nó. Sớm tiếp xúc với Tân văn, Tân thư của các nhà cách mạng Trung Quốc; chứng kiến các phong trào yêu nước trên lập trường dân chủ tư sản (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh), Nguyễn Tất Thành thấy được lập trường dân chủ tư sản ở một nước thuộc địa chưa đủ sức tập hợp lực lượng để chống lại chủ nghĩa thực dân, và tất yếu chịu sự đàn áp của thực dân Pháp.
Thứ ba, quyết định đó thể hiện khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh và trí tuệ nhân loại, muốn học hỏi nhiều hơn những gì mình có, mặc dù những điều đã có là truyền thống dân tộc với bề dày hàng nghìn năm lịch sử.
Đi nhiều nơi, chiêm nghiệm nhiều, lao động để sống, để học tập, để hoạt động cách mạng, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – đã tích lũy được rất nhiều bài học, mà nếu chỉ ở quê nhà sẽ không thể tìm thấy. Người băn khoăn một câu hỏi thường trực: Chủ nghĩa nào có thể cứu nước, giải phóng dân tộc? Bấy giờ vẫn còn cảm tính, Người chưa hiểu sâu sắc về các luận thuyết cũng như chủ nghĩa Mác – Lê-nin như sau này. Cơ hội lớn đầu tiên để một người dân thuộc địa nói tiếng nói của mình trong thế giới tư bản phương Tây là vào năm 1919, tại Hội nghị Véc-xây, nơi các nước đế quốc thắng trận họp nhau để phân chia thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản yêu sách 8 điểm đòi tự do cho dân tộc. Bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã giúp Người hiểu rằng không thể trông cậy vào lòng thương của những nhà tư bản, của giới cầm quyền thực dân. Một sự kiện lớn tiếp theo, tháng 7-1920, được đọc bản Sơ thảo Luận cương Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo L'Humanité số ra ngày 16 và 17-7-1920, Nguyễn Ái Quốc như bừng tỉnh: Chân lý là đây, hạnh phúc đây rồi! Ngồi một mình trong phòng kín mà Người như đang nói to trước đồng bào bị đầy đọa đau khổ: 'Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta'. Người đã nhận được ánh sáng tư tưởng vĩ đại của Lê-nin về cách mạng của các dân tộc thuộc địa, dù ánh sáng tư tưởng ấy chỉ mới từ trang giấy. Lê-nin! Cách mạng tháng Mười! Liên Xô! Tương lai xán lạn biết bao mở ra trong trí tưởng tượng của Người đang khát vọng.
Bước tiến xa hơn, đó là sự kiện Nguyễn Ái Quốc chính thức tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người chiến sĩ cộng sản đầu tiên của dân tộc. Từ lòng yêu nước còn cảm tính, Người đã đến với Chủ nghĩa cộng sản, trở thành một chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do không chỉ dân tộc mà còn là nhân loại. Quả là cả một hành trình lớn lên, như Người đã nhìn nhận lại sự kiện này 40 năm sau đó: '…cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác – Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa…' (3).
Từ khi có lý luận Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ khi gắn kết chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã được khơi dậy một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử của gần một thế kỷ nô lệ, dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông – Nam Á. Thủ đô Hà Nội trở thành điểm sáng, thành ngôi sao đỏ đầu tiên của châu Á. Cả châu Á bị áp bức, cả loài người tiến bộ ngước nhìn, lắng nghe Hà Nội: 'Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa – Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta – Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó – Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa'(4). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sức mạnh của lý tưởng 'không có gì quý hơn độc lập tự do', của 'nghìn tinh hoa sâu rộng' đã 'nâng lên thành trí tuệ của toàn dân'. Thực tiễn chứng tỏ rằng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng cho sự phát triển của Việt Nam. Con đường chân lý đó là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là sự lựa chọn của chính nhân dân mà lịch sử mãi mãi ghi nhận và tôn vinh.
BÙI KIM HỒNG Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
——————————————–
(1)Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, H.2006, tr.30.
(2)Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn báo Ogoniok (Liên Xô) ngày
23-12-1923, trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.477.
(3)Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.241.
(4)Tố Hữu: Theo chân Bác.
Đăng trên Báo Nhân Dân, 6-2-1970.
Theo Nhandan
Ý kiến ()