Tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn?
Người tiêu dùng hiện nay luôn lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của rau xanh được bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, một nghịch lý đang xảy ra, đó là việc sản phẩm rau an toàn rất khó cạnh tranh với sản phẩm rau thông thường không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mặc dù giá cả không chênh lệch nhiều.
Người tiêu dùng hiện nay luôn lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của rau xanh được bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, một nghịch lý đang xảy ra, đó là việc sản phẩm rau an toàn rất khó cạnh tranh với sản phẩm rau thông thường không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mặc dù giá cả không chênh lệch nhiều.
Đầu ra bấp bênh
Sản xuất rau an toàn ở thành phố Biên Hòa – Đồng Nai (Ảnh: K.V) |
Hiện nay, diện tích trồng rau xanh của 19 tỉnh, thành phố phía Nam khoảng vài trăm nghìn ha, trong đó, phần nhiều tập trung ở các khu vực chuyên canh rau như thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; các huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh; một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.v.v….
Sau một thời gian liên tục tổ chức các điểm trình diễn về mô hình sản xuất rau an toàn, nhiều địa phương nói trên đã có những mô hình trồng rau tương đối hiệu quả và đã đứng chân vào được những thị trường khó tính, thậm chí còn ký được đơn hàng xuất khẩu sang nước ngoài.
Tuy nhiên, để rau an toàn phát triển và mang lại cuộc sống ổn định cho bà con sản xuất loại rau này thì không phải là điều đơn giản. Tại Long An, đây là địa phương có diện tích rau an toàn khá lớn được sản xuất quy mô, bài bản trong các hợp tác xã. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 13 hợp tác xã chuyên sản xuất rau các loại, trong đó có 3 hợp tác xã rau an toàn bao gồm: Hợp tác xã rau an toàn Phước Hiệp, Phước Hòa và Long Khê với gần 100 xã viên và sản xuất trên diện tích hơn 120 ha.
Mỗi ngày trung bình các hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 6 tấn rau các loại. Theo ông Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Phước Hiệp, do bán ở chợ đầu mối nên giá thành rau cũng chỉ cao hơn rau thông thường từ 1.000 – 1.500 đồng/kg. Hơn nữa, chợ đầu mối là mô hình bán buôn nên doanh nghiệp chỉ có thể dán tem rau an toàn đối với những thùng rau lớn mà không thể kiểm soát được liệu người mua có xé lẻ và trộn loại rau thông thường, chưa được kiểm nghiệm để bán đến tay người tiêu dùng hay không?. Đây là điều lo lắng của Hợp tác xã rau an toàn Phước Hiệp và cũng là nỗi lo chung của các cơ sở sản xuất rau an toàn ở Long An.
Được biết, sản phẩm rau an toàn của Long An thường được cung cấp cho siêu thị Co.op Mart, tuy nhiên, đây chỉ là một số lượng nhỏ, còn lại là bán cho các chủ thu mua khác mang đi tiêu thụ khắp nơi, chính vì thế, khi đối tác thanh toán tiền chậm hoặc có vấn đề về thu mua, người trồng rau bị động cả đầu vào và đầu ra, họ không có điều kiện để đầu tư tái sản xuất nên gặp nhiều khó khăn.
Huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai là những địa phương có diện tích rau sạch khá lớn, được đầu tư bài bản, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng rau an toàn, nhưng hầu hết các chủ cơ sở rau an toàn ở đây đều lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Họ cho rằng, do thị trường chưa minh bạch nên xảy ra tình trạng loạn thông tin về thực phẩm sạch, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Hầu hết các siêu thị hiện chưa có khu vực riêng để trưng bày và giới thiệu cho dòng thực phẩm sạch. Những nhãn hàng thực phẩm sạch vẫn bị đánh đồng với các loại hàng hóa khác. Thêm vào nữa, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ không đủ sức đầu tư quảng bá thương hiệu, vào siêu thị thì hình ảnh cũng rất mờ nhạt nên cơ hội để xây dựng thương hiệu và bước chân ra thị trường còn rất gian nan.
Người dân đầu tư để sản xuất rau an toàn nhưng khi đưa ra chợ bán thì bị đánh đồng với các loại rau không an toàn. Do đó, thu nhập của người trồng rau an toàn chưa cao, người sản xuất rau chán nản, không muốn tham gia vào chương trình này. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, tuy có diện tích đất sản xuất rau khá lớn nhưng lại nằm trong vùng dân cư. Vì vậy, chủ trương xây dựng vùng sản xuất rau an toàn có quy mô lớn để đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn.
Trên thực tế, mặc dù đã được khuyến cáo, nhưng do thói quen và tâm lý mua bán, người tiêu dùng vẫn vào chợ, các cửa hàng bày bán rau ngay bên đường, chọn những loại rau quả nhìn mẫu mã bắt mắt, giá cả hợp lý để mua, mà chính họ không cần biết xuất xứ, nguồn gốc của các loại rau này có từ đâu. Chính vì vậy, để rau an toàn có chỗ đứng trên thị trường vẫn còn là điều nan giải.
Đầu tư lớn nhưng giá bán bèo bọt
Theo nhận định của ngành nông nghiệp, thị trường thực phẩm chưa dành vị trí tương xứng cho rau an toàn, rau sạch, thậm chí những địa phương có vùng trồng rau xanh lớn ở Ðồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… vẫn chưa xây dựng được vùng sản xuất rau sạch theo đúng nghĩa với qui mô bề thế, hiện đại, đạt tiêu chuẩn trong khu vực.
Để sản xuất rau an toàn, cần có sự đầu tư không nhỏ, từ hệ thống tưới nước, nhà lưới, đến áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăm sóc theo một quy trình khép kín, đòi hỏi người trồng rau phải có vốn, am hiểu nghề, đồng thời tích cực học hỏi chuyên môn.
Không chỉ khó trong lựa chọn giống, chăm sóc, thu hoạch mà khi đưa sản phẩm ra thị trường còn kéo theo nhiều chi phí khác nữa, chính vì vậy, để đầu tư sản xuất và cho ra một sản phẩm rau an toàn phục vụ người tiêu dùng, chi phí sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với trồng rau thông thường.
Tại cơ sở trồng rau sạch của anh Trần Văn Mỹ trên địa bàn phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với trên một nghìn mét vuông trồng các loại rau gia vị như hành, tía tô, xà lách…anh Mỹ cho biết, để đảm bảo cho diện tích rau của gia đình phát triển và theo đúng yêu cầu sản xuất rau sạch, anh đã đầu tư vào khu vườn này gần 100 triệu đồng.
Đó là lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho rau thơm, hệ thống mái che chống mưa cho xà lách.v.v.. ngoài ra, gia đình còn phải xây dựng thêm hàng rào che chắn, hệ thống giếng bơm nước tưới đảm bảo chất lượng vệ sinh cho rau khi bán không có hàm lượng các chất tồn dư bảo vệ thực vật quá mức cho phép…, tất cả đều phải tính vào giá thành cho mỗi ki lô gam rau khi bán tại vườn. Theo anh Mỹ, tính ra thì chẳng lãi bao nhiêu, mà lợi nhuận vào khâu trung gian hết, họ là người mua tận gốc và bán gần tận ngọn.
Đi tìm hiểu thêm về sản xuất rau sạch tại Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Tuyền, một nhà vườn trồng rau hàng chục năm ở thị trấn Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc. Anh Tuyền cho biết, trước đây gia đình anh cũng đã sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, sản phẩm ế, gia đình không đủ vốn đầu tư, tốn thời gian, công sức không mấy hiệu quả. Hơn nữa, việc sản xuất rau an toàn khá tốn kém mà giá cả không cao hơn rau thường thì không có lãi. Thậm chí, sản xuất rau an toàn vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá. Chính vì thế, anh Tuyền và những hộ xung quanh đã trở lại trồng rau theo phương pháp truyền thống, đầu tư vừa phải, được đến đâu bán đến đó.
Theo các nhà chuyên môn, việc trồng rau an toàn và cung cấp rau an toàn ra thị trường đang còn gặp không ít khó khăn là do nhiều nguyên nhân, trong đó, có những nguyên nhân chủ yếu như, đối với người nông dân, việc trồng rau an toàn tốn nhiều công sức chăm sóc và tuân thủ theo quy trình sản xuất rau an toàn nên giá thành của rau an toàn có khác biệt so với rau thường, đầu ra cho rau an toàn chưa ổn định và làm cho nông dân không đủ tự tin vào việc trồng rau an toàn và ngày càng rời xa các quy trình sản xuất rau an toàn.
Ngoài ra, còn không ít người tiêu dùng có đầy đủ kiến thức để phân biệt rau an toàn với rau thường. Người dân thường chú trọng vào hình thức và giá của rau hơn là nguồn gốc của rau, chưa có thói quen mua rau an toàn vì chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, chưa thấy hết những lợi ích khi dùng loại sản phẩm này. Chính vì thế, nhận thức và kiến thức của người dân về rau an toàn cần được nâng cao để rau an toàn có thể tìm được chỗ đứng bền vững trên thị trường.
Lối ra cho rau an toàn?
Để có mặt trong các hệ thống siêu thị, sản phẩm rau, hoa quả an toàn |
Có thể khẳng định, rau quả tươi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, giúp hạn chế sự mất cân đối dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Hiện nay, nhận thức người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên dẫn đến nhu cầu sử dụng rau an toàn không ngừng nâng cao. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, việc đưa rau an toàn đến tay người dân đang được chú trọng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, duy trì, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tăng cường thực hiện các biện pháp sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, nông dân thông qua hợp tác xã và các hình thức phù hợp trong vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.
Nhiều địa phương đã xác định được tầm quan trọng của rau quả an toàn trong đời sống hàng ngày, chính vì thế, đã đưa ra những chủ trương, chính sách trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là rau xanh cho người tiêu dùng. Một số địa phương đã có những quy hoạch dài hơi cho việc phát triển vùng chuyên canh rau an toàn của địa phương mình, với những hỗ trợ cần thiết cho người sản xuất. Quan trọng nhất là sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, điều này nhiều địa phương cũng đang hướng tới.
Theo các chủ cơ sở sản xuất rau an toàn, chính họ cũng đang gặp khó về nguồn giống cho sản xuất rau. Do mua phải giống không thuần chủng, không đảm bảo chất lượng nên năng suất rau của các hộ dân đạt thấp. Nguồn giống rau mà người dân tự sản xuất nhiều lần cũng bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy, người dân mong ngành nông nghiệp quan tâm vấn đề giống, đảm bảo chất lượng cho việc sản xuất rau an toàn. Đồng thời, việc quản lý sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cần sự hỗ trợ của nhiều ban, ngành về cơ chế, chính sách, biện pháp khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa nông dân, cơ sở chế biến nông sản và người tiêu dùng cũng là động lực để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người nông dân và quan trọng là để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện tại, vấn đề khó nhất của rau sạch là phải có thị trường. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các loại hình dịch vụ này phát triển. Cần phát huy vai trò của các địa phương để quy hoạch vùng sản xuất, tăng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, để đẩy mạnh việc tiêu thụ rau an toàn, ngành công thương các địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước nên có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp mở các hệ thống bán lẻ, tìm đầu ra cho sản phẩm, đây chính là sự kết nối giữa người làm ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, thông qua các hệ thống tiêu thụ. Có thể thấy, về lâu dài, việc thay đổi quy mô trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap mới là mấu chốt để tác động đến các chuỗi phía sau như tiêu thụ, phân phối sản phẩm, thâm nhập rộng rãi thị trường trong và ngoài nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()