Hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ
Cùng chúng tôi đi thực tế tại huyện Đông Anh (Hà Nội) – nơi có hơn 1.340 ha trồng rau chính vụ (từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau), Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Nguyễn Hồng Tuyển cho biết, trên địa bàn huyện có 501 ha rau đã được Thành phố quy hoạch vào vùng sản xuất RAT tập trung, với 37 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và 16 cơ sở đủ điều kiện sơ chế RAT. Do đây là vùng rau chuyên canh lớn, nhiều hộ luân canh tới tám lứa/năm, nên độ màu mỡ của đất kém đi vì không có điều kiện được “nghỉ ”, hoặc luân canh sang cây trồng khác nên có vụ ảnh hưởng đến chất lượng, việc tiêu thụ RAT còn hạn chế.
Tính đến nay, RAT có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20 nghìn tấn/năm (chiếm 5% sản lượng rau an toàn, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng).
Theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, một trong những nguyên nhân sản lượng RAT còn thấp là do thói quen, tập quán sản xuất của người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm còn manh mún. Việc quản lý, giám sát RAT còn lỏng lẻo. Cơ chế, chính sách sản xuất và tiêu thụ nông sản của T.Ư và Thành phố mới tập trung cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật với chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ lãi vay vốn; chưa có chính sách xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh RAT như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng.
Chưa có quy định về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường; trong khi nông dân sản xuất rau quy mô nhỏ, rau phần lớn bán rong, bán tại các chợ xanh, chợ cóc, khu dân cư rất khó truy xuất nguồn gốc và việc quy đầu mối trách nhiệm trở nên không khả thi. Hệ thống chứng nhận chất lượng RAT như VietGap chỉ thích hợp với sản xuất quy mô lớn với các tiêu chí kỹ thuật rất phức tạp, chi phí áp dụng rất cao nên nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có thể tiếp cận, trong khi đó không thể có sản xuất quy mô lớn bởi hệ lụy không tích tụ được ruộng đất do sản xuất rau đang có giá trị cao, nông dân chưa sẵn sàng nhượng đất khi chưa có sinh kế khác hơn trồng rau; chưa có hệ thống chứng nhận chất lượng RAT có sự tham gia của nhà kinh doanh và người tiêu dùng.
Nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm ATTP chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các quy định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc kinh doanh và tiêu thụ RAT.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị, trong khi có ít doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ. Bà Nguyễn Thu Hà ở phố Thụy Khuê, Hà Nội chia sẻ: “Khi ra chợ rất muốn mua được những loại rau tươi sạch nhưng không phân biệt được đâu là RAT với rau khác, bởi chỉ nhìn bên ngoài mấy loại rau có gắn nhãn mác với rau không gắn gì chẳng khác nhau là mấy, thế nên cuối tuần, tôi thường về quê lấy rau mang lên ăn cho yên tâm. Bây giờ nếu có đơn vị hay tổ chức nào đứng ra bảo đảm, cam kết sản xuất RAT như lời quảng bá, gia đình tôi sẵn sàng chuyển sang sử dụng RAT hàng ngày”.
Thiết nghĩ, để các mô hình, sản phẩm RAT đến tay người tiêu dùng nhanh và nhiều hơn nữa, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền cũng như điều chỉnh các chính sách hỗ trợ tiêu thụ và cho các điểm bán RAT. Có như vậy, mới mong kích cầu tiêu thụ RAT, đồng thời rút ngắn dần khoảng cách giữa giá RAT và rau thường ngoài chợ.
Vai trò tiêu thụ RAT cho nông dân của HTX nông nghiệp còn “mờ nhạt”, có rất ít doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, theo đó là bất cập: gíá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài; rau dễ thối hỏng, hư hao gắn liền với hệ lụy số cửa hàng ít, sản phẩm kém đa dạng, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít, không tiện lợi (xa nơi ở, phải gửi xe, bán vào thời điểm đi làm) dẫn tới phá sản.
Mặt khác, việc liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng thường bị phá vỡ. Vai trò của HTX nông nghiệp rất hạn chế: mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, không có vốn hoặc vốn rất thấp, không tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn tín dụng, không có kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh cho nên hầu hết chưa có dịch vụ đầu ra cho nông dân.
Những giải pháp để RAT có “đầu ra” ổn định
Một số chuyên gia nông nghiệp có chung ý kiến, thời gian qua, mạng lưới tiêu thụ RAT ở Hà Nội có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, 40% số lượng rau hiện nay là từ các tỉnh khác chuyển về, việc kiểm soát chất lượng còn nhiều bất cập. Do vậy, để tìm “đầu ra” ổn định cho RAT, Phó Chi cục trưởng BVTV Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, tới đây UBND Thành phố cần đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng RAT.
Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT. Bộ Công thương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường. Tăng cường các hoạt động nâng cao kiến thức kỹ năng cho người sản xuất và nhận thức cho người tiêu dùng RAT.
Nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về phòng, chống sinh vật hại trên rau bằng các biện pháp không sử dụng thuốc BVTV; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc; áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản rau an toàn. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển cửa hàng bán lẻ RAT. Cần có quy định các bếp ăn tập thể, trường mầm non, đơn vị… phải lấy RAT từ những đơn vị được chứng nhận chất lượng ATTP. Có chế tài xử lý nghiêm với những hộ sản xuất, kinh doanh rau không an toàn.
Nếu thực hiện tốt các giải pháp nêu trên thì việc sản xuất và cung cấp RAT ra thị trường sẽ có bước chuyển đáng khích lệ, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng; đồng thời góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân.
Ý kiến ()