LSO-Nếu Báo Slao được ví như “lễ hội tình nhân” giữa núi rừng Quốc Khánh, Tràng Định thì Ná Nhèm được xem như một “lễ hội hóa trang” của người Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đã có lúc Ná Nhèm đứng trước nguy cơ thất truyền, nhưng giờ đây lễ hội dân gian độc đáo này đang có cơ hội hồi sinh.... Cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch thu thập thông tin để phục dựng lễ hội Ná NhèmCách trung tâm huyện Bắc Sơn khoảng 20km về phía đông nam, Trấn Yên là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Giữa cuộc sống hiện đại, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống từ những nếp nhà sàn thâm u đến ngôi đình làng rêu phong, cổ kính. Trong những kiến trúc cổ còn lại đến ngày nay có đình Làng Mỏ và miếu Xa Vằn-hai cái tên gắn với lễ hội Ná Nhèm. Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”. Người già ở Trấn Yên cũng không ai biết rõ lễ hội có...
LSO-Nếu Báo Slao được ví như “lễ hội tình nhân” giữa núi rừng Quốc Khánh, Tràng Định thì Ná Nhèm được xem như một “lễ hội hóa trang” của người Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đã có lúc Ná Nhèm đứng trước nguy cơ thất truyền, nhưng giờ đây lễ hội dân gian độc đáo này đang có cơ hội hồi sinh….
Cán bộ Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch thu thập thông tin để phục dựng lễ hội Ná Nhèm
Cách trung tâm huyện Bắc Sơn khoảng 20km về phía đông nam, Trấn Yên là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Giữa cuộc sống hiện đại, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống từ những nếp nhà sàn thâm u đến ngôi đình làng rêu phong, cổ kính. Trong những kiến trúc cổ còn lại đến ngày nay có đình Làng Mỏ và miếu Xa Vằn-hai cái tên gắn với lễ hội Ná Nhèm.
Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”. Người già ở Trấn Yên cũng không ai biết rõ lễ hội có từ bao giờ, chỉ biết rằng hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng Giêng, dân làng lại nô nức kéo về đình mở hội. Bên cạnh nghi thức cúng thành hoàng, lễ hội Ná Nhèm còn tái hiện sự tích đánh giặc giữ làng. Chuyện kể rằng ngày ấy, bản làng đang yên bình thì bỗng một toán giặc từ đâu kéo tới đóng ở đồi Khau Dạ Háy. Chúng bắt một người phụ nữ là bà Mãn theo hầu hạ. Ngày nọ, những người đi dò xét, nắm tình hình gặp bà Mãn đang lấy nước cho giặc ở khe Rọ Rạy. Bà cho biết chúng là 12 tên giặc “Tài Ngàn”, điểm đặc biệt của đám giặc là răng chúng nhuộm đỏ (nên còn gọi là “Sấc khẻo đeng”); ban ngày chúng rình rập, cướp bóc, ban đêm chúng chui vào trong túi và bắt bà thắt miệng túi cho chúng ngủ để tránh muỗi. Biết vậy, những người này bàn với bà Mãn chờ đêm xuống sau khi thắt miệng túi cho đám giặc thì báo hiệu dân bản lên đập rìu vào đầu cho chúng chết. Giết giặc xong, dân bản ném xác chúng xuống suối; xác giặc trôi đến khu vực ngã ba Phai Lý ngày nay thì dừng lại, dân bản liền chôn chúng ở đó. Vài năm sau, thôn bản đang thanh bình thì dịch bệnh ập tới; riêng chỗ chôn bọn giặc xuất hiện một tổ ong rất lớn, người và gia súc qua đó thường bị đốt đến chết. Dân bản cử người đi xem bói và biết rằng dịch bệnh là do ma quỷ của đám giặc kia quẫy nhiễu. Vì vậy, muốn có mùa màng bội thu, dịch bệnh tà ma không quấy nhiễu thì cả bản phải lập miếu thờ và tổ chức cúng tế vào rằm tháng giêng hàng năm; định kỳ cứ 3 năm một lần tổ chức hội lớn để trấn yểm, trừ tà.
Trong ký ức của mình, các bậc cao niên ở Làng Mỏ như cụ Hoàng Thành Tiến, cụ Hoàng Văn An… vẫn còn nhớ những ngày đầu xuân của mấy mươi năm về trước khi họ còn là những thanh thiếu niên được háo hức tham gia lễ hội, được đóng vai quân lính, trẻ chăn trâu trong đám rước quân. Theo cụ Tiến: Điều đặc biệt của lễ hội Ná Nhèm là ở chỗ những người tham dự phải bôi nhọ lên mặt thể hiện hình dạng của bọn giặc Tài Ngàn khi còn sống. Bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng hồn ma giặc và không con ma nào biết ai đã diễn lại sự thất bại của chúng trước dân làng mà về bắt, gây tai họa và dịch bệnh nữa. Lễ hội Ná Nhèm diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, nhưng từ trước đó cả chục ngày, dân bản đã tất bật chuẩn bị lễ hội. Họ chia thành từng nhóm để vót giáo mác, chuẩn bị kén tằm, trong đó có một công việc quan trọng là đẽo “tàng thinh-mặt nguyệt” (sinh thực khí nam, nữ) thì được giao cho 2 ông cụ đông con, nhiều cháu trong khu vực cửa đình đảm trách. Kể từ đấy đến ngày 14 tháng Giêng, ai được phân vai gì, thực diễn trò gì trong lễ hội nếu chưa thuộc thì phải học cho bằng thuộc. Ngày rằm tháng Giêng, lễ hội Ná Nhèm diễn ra từ rạng sáng cho tới lúc trời tối. Sau nghi thức cúng thành hoàng làng là lễ rước quân từ đình Làng Mỏ đến miếu Xa Vằn (nơi thờ giặc). Tại đám rước này, ngoài ông mo, ông hội và 4 người rước ngai không phải bôi mặt nhọ, những người còn lại đều phải lấy nhọ nồi bôi đen mặt lại, riêng 2 ông chánh tướng phải lấy thuốc nhuộm cho răng đỏ giống với lũ giặc khi xưa. Buổi chiều hôm đó, tại bãi ruộng trước cửa miếu, dân bản tổ chức các trò như tố nữ kén chồng, tiến sĩ kén vợ, trò chơi đánh đu, kéo co, đánh yến… Kết thúc lễ hội, dân bản thu dọn các đồ vật như cờ, trống, ngai, tàn… trở về đình và cùng tổ chức một bữa ăn chung. Bên cạnh tín ngưỡng nông nghiệp (cầu mùa màng), lễ hội Ná Nhèm hàm chứa cả yếu tố lịch sử trong quá trình đánh giặc giữ làng của người Tày Trấn Yên hòa trong sự phát triển chung của mảnh đất Bắc Sơn anh hùng với những con người dũng cảm, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, cần cù, đoàn kết trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, cùng với những thăng trầm lịch sử, lễ hội Ná Nhèm đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Cụ Hoàng Văn An, 69 tuổi ở Làng Mỏ kể rằng cụ được tham gia lễ hội Ná Nhèm 3 lần khi còn là một cậu bé, từ đó đến nay, đã chừng 40-50 năm, lễ hội không được tổ chức nữa. Mái đình Làng Mỏ gắn với lễ hội theo thời gian nay cũng đã bị xuống cấp nhiều. Với những bậc cao niên, Ná Nhèm giờ chỉ còn trong ký ức, thế hệ con cháu của họ thì chỉ còn nghe kể về lễ hội như cổ tích, truyền thuyết từ ngàn xưa. Anh Hoàng Văn Lưu, 23 tuổi ở Làng Mỏ cho biết: Em vẫn thường nghe các cụ kể xưa kia, hội làng diễn ra vui lắm, người ta bôi mặt nhọ, nhuộm răng đỏ để diễn cảnh rước quân. Thế hệ trẻ chúng em rất mong lễ hội sớm được phục dựng để được có dịp hiểu hơn về truyền thống văn hóa của quê hương mình.
Trước nguy cơ thất truyền lễ hội Ná Nhèm-một lễ hội độc đáo trong hơn 300 lễ hội ở Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực triển khai dự án bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội này. Ông Hoàng Văn Chẩn, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên chia sẻ: Lễ hội Ná Nhèm được phục dựng sẽ là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân Trấn Yên khi văn hóa truyền thống của dân tộc, của quê mình được góp phần làm nên bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng.
Bảo Vy
Ý kiến ()