Tìm cách xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản
Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng đa phần xuất khẩu thô nên giá trị thu về không cao. Vì thế, để xâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới, điều bắt buộc là phải tạo ra những sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia.
Có thể thấy, mặc dù nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác… Đây chính là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường rất yếu và gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Tương tự, tại thị trường trong nước cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không hề có nhãn hiệu. Vì thế, nhiều loại nông sản cạnh tranh rất kém khi ra thị trường lớn và nhanh chóng bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.
Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu và giá trị thương hiệu, trong thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản cũng đã được các hiệp hội ngành nghề quan tâm và cố gắng xây dựng. Có thể kể đến hoạt động của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sau khi xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai, nay hiệp hội này tiếp tục hỗ trợ huyện Cư Kuin, Đăk Lăk đăng ký thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin. Hay mới nhất là các thương hiệu cam Cao Phong, xoài Khánh Hòa, cam Vinh… Mới đây nữa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bồn bồn Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước), nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm hàng hóa nông sản mang tính đặc thù của địa phương. Theo đó, sau khi sản phẩm này chính thức được công nhận là nhãn hiệu tập thể, Hội Nông dân huyện Cái Nước phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và bảo vệ thương hiệu bồn bồn Tân Hưng Đông. Sản phẩm bồn bồn trồng ở xã Tân Hưng Đông được xem là loại rau sạch, tuyệt đối không phun thuốc hóa học nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Các thành viên Tổ hợp tác cam kết luôn giữ chữ tín đối với người tiêu dùng.
Vậy là, ở một khía cạnh nào đó, những thương hiệu như trên thường gắn liền với chỉ dẫn địa lý mà chưa thể làm đại diện thương hiệu cho cả một quốc gia.
Trước bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, tạo sức cạnh tranh riêng cho nông sản Việt là một vấn đề không chỉ cần giải quyết trong ngắn hạn, mà cần đầu tư mang tính dài hơi. Để đảm bảo tính bền vững cần xây dựng và phát triển thương hiệu dưới 2 góc độ: tài sản riêng của doanh nghiệp và tài sản chung của cộng đồng, của địa phương, vùng miền.
Các chuyên gia quốc tế chỉ rõ, cái thiếu của Việt Nam hiện nay là thương hiệu và xuất khẩu thô quá nhiều, điều đó làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp cần liên kết để tạo thế chủ động và xây dựng cho mình một thương hiệu đủ mạnh, bền vững.
Muốn xây dựng được thương hiệu, các chuyên gia trong nước cho rằng, trước hết, mỗi sản phẩm phải thỏa mãn 3 điều kiện: Đạt đến một khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá bán cạnh tranh; tổ chức kênh phân phối bảo đảm lợi ích hài hòa, hợp lý với tất cả các chủ thể tham gia. Cụ thể, nên chọn một vài mặt hàng nổi bật để xây dựng thương hiệu, không nên làm tràn lan và doanh nghiệp phải là người xây dựng thương hiệu chứ không phải Nhà nước, hay nông dân.
Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và tổ chức sản xuất theo hợp đồng; liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác để làm cầu nối giữa doanh nghiệp chế biến và các trang trại, đồng thời cũng có thể trở thành đối tác làm ăn với doanh nghiệp. Về phía Nhà nước, cần tạo ra khung pháp lý để các giải pháp trên được thực thi thuận lợi. Đặc biệt, cần có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()