Tìm cách quảng bá thương hiệu gốm sứ Quảng Ninh
So với các địa danh làm gốm đã có lịch sử nổi danh từ rất lâu đời như gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Thổ Hà (Bắc Giang)… thì các dòng gốm sứ danh tiếng ở Quảng Ninh hình thành khá muộn.
Tuy chỉ với gần 200 năm lịch sử, một vùng đất cùng nhiều sản phẩm có tên tuổi đã lần lượt ra đời và nhanh chóng phát triển thành những thương hiệu mạnh trên thị trường gốm sứ Việt.
Thủa vàng son gốm sứ Vạn Ninh
Cho đến tận cuối thế kỷ 18, Quảng Ninh vẫn chưa có một dòng sản phẩm gốm nào thực sự nổi bật. Gốm sứ Vạn Ninh bắt đầu mở lò sản xuất từ giữa thế kỷ 19 tại Móng Cái nên còn được gọi bằng cái tên “sứ Móng Cái”. Theo như nhiều nghệ nhân kỳ cựu giải thích, sở dĩ người ta hay gọi là gốm sứ Vạn Ninh bởi thời xưa xã Vạn Ninh là địa điểm tập kết chủ yếu của dòng gốm sứ này trước khi đem đi phân phối cho các vùng. Mới nghe qua có thể nhiều người sẽ nhầm lẫn với một địa danh khác đó là huyện Vạn Ninh của tỉnh Khánh Hòa.
Một phân xưởng sản xuất tại Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh. Ảnh: TẤT ĐẠT |
Dù gốm Việt ở thế kỷ 19 đã phát triển rất rực rỡ cùng nhiều làng gốm trứ danh từ Bắc vào Nam nhưng đồ sứ hoặc bán sứ (có chất lượng gần giống đồ sứ) lại rất hiếm. Cùng với trào lưu vua quan từ thời chúa Trịnh tới thời nhà Nguyễn thường xuyên đặt mua đồ sứ bên Trung Hoa mang về sử dụng đã dần hình thành nên nhu cầu rất mạnh trên thị trường cho mặt hàng này, do đồ sứ nhẹ nhàng, bền đẹp, sang trọng nên rất được ưa chuộng. Nắm bắt được thời cơ, nhiều thợ gốm và giới chủ người gốc Hoa sang Việt Nam sinh sống, lập nghiệp khoảng giữa thế kỷ 19 đã bắt tay cùng người dân địa phương mở ra nhiều lò sản xuất gốm sứ tại Móng Cái. Tên tuổi của gốm sứ Vạn Ninh nhanh chóng được định hình và phát triển mạnh mẽ cùng với câu ví von khá nổi tiếng trong dân gian một thời “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”, ý nói gốm sứ Vạn Ninh đã có tiếng tăm sánh ngang với sản phẩm chum vại nổi tiếng của làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Gốm sứ Vạn Ninh phát triển rực rỡ nhất trong những năm đầu thế kỷ 20 đến hết thập niên 1940. Mặc dù từ đó tới nay đã trải qua cả trăm năm, nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp rất nhiều sản phẩm (bình, chóe, ang, thống, liễn…) của thời kỳ này hiện còn được lưu giữ trong các hộ gia đình hoặc nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm gốm sứ cổ xưa ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước…
Trải qua nhiều thăng trầm biến cố của lịch sử, những lò gốm sứ Vạn Ninh kiểu truyền thống sau cùng cũng đóng cửa ngừng hoạt động. Nhưng trước đó, nghề gốm sứ từ Móng Cái đã lan truyền qua nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Ninh khiến cho gốm sứ Vạn Ninh không còn là thương hiệu duy nhất. Cùng phát triển với nó còn có thêm gốm sứ Quảng Yên, gốm sứ Đông Triều…
Gốm sứ Đông Triều – còn nhiều tiềm năng phát triển
Những cơ sở sản xuất gốm đầu tiên ở thị xã Đông Triều bắt đầu mở ra từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước. Người được ghi nhận có công xây dựng lên thương hiệu này là ông Hoàng Bá Huy khởi nghiệp với một tổ sản xuất gốm sứ theo quy mô gia đình nhỏ. Ngay từ những loạt sản phẩm đầu tiên, gốm Đông Triều đã có nhiều nét khác biệt so với gốm sứ Vạn Ninh, Móng Cái, đó là mộc mạc hơn, dân dã hơn, đậm chất Việt hơn. Là dòng gốm sứ nung nặng lửa, với nhiệt độ có thể lên tới 1.200-1.300oC khiến cho sản phẩm bền chắc, nhanh chóng định vị được tên tuổi trong lòng người tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống các lò gốm sứ Đông Triều chủ yếu nằm tọa lạc trên trục Quốc lộ 18 đoạn từ phường Đức Chính đến phường Mạo Khê thuộc thị xã Đông Triều.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, với việc thành lập hai hợp tác xã gốm sứ Đông Thành và Ánh Hồng, là các xưởng sản xuất hàng đầu của gốm sứ Đông Triều, sản phẩm không còn đơn thuần chỉ bán cho người tiêu dùng trong nước mà đã được xuất khẩu mạnh sang thị trường Liên Xô trước đây và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Gốm sứ Lái Thiêu, Biên Hòa, Thành Lễ, Bát Tràng, Đông Triều… có thể xem là những thương hiệu gốm sứ xuất khẩu tiêu biểu trong suốt thập niên 1980.
Khác với gốm sứ Quảng Yên (thuộc giai đoạn tiếp nối về sau của gốm sứ Vạn Ninh nhưng sớm bị lụi tàn cuối những năm 80 của thế kỷ trước), gốm sứ Đông Triều lại hoạt động rất tốt, dần trở thành thủ phủ sản xuất đồ gốm sứ của tỉnh Quảng Ninh và đang được lãnh đạo tỉnh chú trọng đầu tư phát triển thành một thương hiệu mạnh trên thị thường. Gần đây, bình quân hằng năm gốm sứ Đông Triều xuất bán gần 1 triệu sản phẩm cả trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao cũng như góp phần tạo ra nhiều việc làm.
Vấn đề lớn của gốm sứ Đông Triều hiện nay là xây dựng, quảng bá thương hiệu một cách hệ thống, bài bản cũng như gắn nhãn mác nhận diện sản phẩm đầy đủ, rõ ràng để nâng tầm giá trị, nhất là với các mặt hàng xuất khẩu. Dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp thương hiệu tập thể, còn tên thương hiệu sản phẩm vẫn chỉ nằm trên giấy chứ chưa được hiện thực hóa trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Khách hàng thân thiết có thể nhận ra sản phẩm qua những đặc điểm riêng về tạo hình hoa văn và chất liệu nhưng với những khách hàng mới, khách hàng tiềm năng thì mọi thứ còn rất hạn chế…
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (thị xã Đông Triều) cho biết: “Khi bán vào thị trường nước ngoài, các nhà nhập khẩu phải làm xúc tiến thương mại tại nước ngoài thì họ cũng rất muốn sản phẩm phải mang thương hiệu, nhãn hiệu của họ để xây dựng, phát triển thị trường ở quốc gia của họ. Đây là một điều rất thiệt thòi cho Quang Vinh và các nhà sản xuất gốm sứ Đông Triều”.
Ý kiến ()