Tìm cách bảo đảm an ninh năng lượng
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày tới Canada nhằm thảo luận về việc tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Reuters đưa tin, trong chuyến thăm Canada từ ngày 21 đến 23-8, Thủ tướng Scholz đến các thành phố Montreal, Toronto và thị trấn Stephenville. Đây là chuyến thăm Canada đầu tiên của ông Scholz kể từ khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Đức vào cuối năm ngoái. Trọng tâm trong chuyến công du này là tìm cách bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Canada Justin Trudeau tại Montreal, ngoài hợp tác song phương, hai bên thảo luận về một số vấn đề quốc tế. Tại Toronto, ông Scholz cùng ông Trudeau tham dự Diễn đàn kinh tế Đức-Canada. Trong chặng dừng chân tại Stephenville ở đảo Newfoundland, dự kiến các đại diện hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu về khả năng sản xuất nhiên liệu hydro ở Canada để xuất khẩu sang Đức.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại cuộc gặp ở Berlin hồi tháng 3-2022. Ảnh: AP |
Euronews nhận định, dù lô hàng đầu tiên giao cho Đức có thể diễn ra trong vài năm tới, nhưng thỏa thuận này sẽ đánh dấu chương mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, thỏa thuận này cho thấy nỗ lực của Chính phủ Đức trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga. Ngay trước thềm chuyến thăm tới Canada, Thủ tướng Đức Scholz cũng nhận được sự ủng hộ cho việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Canada để thay thế lượng khí đốt nhập khẩu của Nga. Tuy nhiên, các quan chức Đức cho biết, khó có thể vận chuyển LNG từ Canada tới Đức trong một hoặc hai năm tới, bởi chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển.
Canada là đối tác quan trọng của Đức trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chuyến thăm Canada của Thủ tướng Scholz diễn ra khoảng 5 tháng sau khi ông và người đồng cấp Trudeau gặp nhau tại Berlin để thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có năng lượng sạch. Ý tưởng sản xuất hydro từ các nguồn tái tạo cũng nằm trong chương trình nghị sự vào tháng 5 vừa qua khi Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck gặp Bộ trưởng Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp Canada François-Philippe Champagne. Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Canada Trudeau nhấn mạnh: “Canada và Đức là những người bạn thân thiết trên trường quốc tế. Tôi mong muốn được cho Thủ tướng Scholz thấy những gì Canada có thể cung cấp, đồng thời chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương, tạo việc làm và giúp tầng lớp trung lưu lớn mạnh ở cả hai quốc gia”.
Đức đang đặt hy vọng vào nhiên liệu hydro để bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến nền kinh tế nước này đứng trước nguy cơ suy thoái. Việc Berlin chú trọng đến nhiên liệu hydro cũng là một phần của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn. Không giống như nhiên liệu hóa thạch, hydro không tạo ra khí thải độc hại. Tuy nhiên, Đức không thể tự đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trong những năm tới. Ông Constantin Zerger, người đứng đầu bộ phận năng lượng và bảo vệ khí hậu tại Tổ chức Hành động môi trường Đức, cho biết Đức sẽ cần nhập khẩu đáng kể lượng nhiên liệu hydro để đáp ứng mục tiêu khí hậu, đặc biệt là sau năm 2030.
Trong khi đó, vùng Đại Tây Dương của Canada được kỳ vọng là nơi có thể sử dụng các nguồn năng lượng gió để sản xuất nhiên liệu hydro. Đây là một điểm thu hút đối với Đức, quốc gia đang hướng tới các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, bao gồm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên thực tế, thỏa thuận về hydro không chỉ có lợi cho Đức mà còn giúp Canada hướng tới mục tiêu trở thành một trong 3 nhà xuất khẩu hydro hàng đầu thế giới trong vòng 30 năm.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()