Tiểu vùng Mê-kông mở rộng xúc tiến đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng
Các quan chức cấp cao trong khu vực Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS) sẽ nhóm họp tuần này trong khuôn khổ Diễn đàn Hành lang Kinh tế GMS lần thứ 10 (ECF-10) ở Nay Pyi Taw, Mi-an-ma để thảo luận những cách thức nhằm đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng dọc theo các hành lang kinh tế chủ chốt kết nối tiểu vùng.
Ảnh minh họa.
Ông Alfredo Perdiguero, Giám đốc Hợp tác Khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chia sẻ: “Các hành lang kinh tế là xương sống của Tiểu vùng Mê-kông mở rộng. Chúng giúp các cộng đồng tiếp cận tốt hơn những dịch vụ xã hội, đem lại cơ hội việc làm và mở rộng tăng trưởng kinh tế.”
Diễn đàn tuần này diễn ra vào đúng 20 năm sau khi các quan chức GMS lần đầu tiên thông qua một chiến lược toàn diện nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng nội vùng và kết nối các trung tâm hoạt động kinh tế. Kể từ đó, các quốc gia GMS không chỉ tập trung vào xây dựng đường sá, cảng biển và các công trình cơ sở hạ tầng khác với chất lượng cao, mà còn tăng cường kết nối “phần mềm” thông qua phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi thương mại và giao thông, đồng thời tích hợp hiệu quả hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong các chuỗi giá trị khu vực.
Diễn đàn ECF GMS lần đầu tiên được tổ chức nhằm bảo đảm rằng các cộng đồng được hưởng lợi từ các hành lang kinh tế, tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên trong việc xử lý các vấn đề xuyên biên giới như di cư và kiểm soát dịch bệnh, và tăng cường phát triển bền vững về môi trường.
Diễn đàn ECF lần thứ 10 diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ sáu vào tháng Ba, tại đó đã thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020, tập trung vào những sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của các hành lang kinh tế tiểu vùng thông qua tăng cường tính kết nối, tính cạnh tranh và tính cộng đồng trong Tiểu vùng Mê-kông mở rộng.
Chương trình Hợp tác GMS do ADB hỗ trợ đang phát triển các hành lang kinh tế Đông – Tây, Bắc – Nam và Hành lang kinh tế phía Nam. Những hành lang kinh tế này đã đem lại việc làm, gia tăng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ cho hàng triệu người, và đóng góp vào tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thương mại và đầu tư nội vùng GMS.
ADB cam kết hướng tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2017, tổng vốn hỗ trợ của ADB đạt 32,2 tỉ USD, bao gồm 11,9 tỉ USD đồng tài trợ./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()