Tiêu tiền giả, nhận tội thật
- Chỉ vì lòng tham và sự thiếu hiểu biết pháp luật, một số đối tượng đã sử dụng tiền giả trong giao dịch mua bán, dẫn đến phải nhận hậu quả, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Câu chuyện xảy ra dưới đây là một ví dụ.
Đầu năm 2024, Lý Văn Duy, sinh năm 2003, thường trú tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng đến huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội làm thuê. Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 24/6/2024, Duy đến Bến xe Mỹ Đình đón xe về nhà. Khi ngồi uống nước tại quán vỉa hè, có một người đàn ông ngồi cạnh nói chuyện với Duy nhưng không giới thiệu tên, địa chỉ và cho biết đang chờ đón xe về tỉnh Điện Biên. Người này nói với Duy không có điện thoại để liên lạc, thấy Duy cầm điện thoại Iphone 6s Plus nên hỏi mua. Hai bên thỏa thuận giá bán là 3,5 triệu đồng. Người này đưa cho Duy 7 tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng. Khoảng 21 giờ cùng ngày, khi về đến nhà, Duy thấy việc bán điện thoại cũ được giá cao nên nghi ngờ và mang 7 tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng ra xem thì phát hiện các tờ tiền có số seri trùng nhau. Dù biết là tiền giả nhưng Duy không nói cho ai biết mà giữ lại nhằm mục đích lưu hành số tiền giả này.
Trong khoảng thời gian từ ngày 26/6/2024 đến ngày 9/7/2024 tại địa bàn xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang và xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Lý Văn Duy cùng đồng phạm là Nông Văn Chín, sinh năm 1999 (trú cùng thôn với Duy) đã lưu hành số tiền giả trên. Hai đối tượng đã dùng thủ đoạn đến các cửa hàng, tạp hóa nhỏ lẻ, tiêu thụ tiền giả bằng cách mua các mặt hàng có giá trị thấp để được bù lại tiền thật và chia nhau. Trong đó, Duy đã có hành vi lưu hành tiền giả có trị giá tương ứng số tiền 1 triệu đồng; còn Chín lưu hành tiền giả có trị giá tương ứng số tiền 500 nghìn đồng; số tiền giả còn lại các đối tượng đã vứt bỏ do bị mờ, nát và lo sợ bị phát hiện hành vi phạm tội. Từ sự tố giác của người dân, hai đối tượng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và khởi tố về tội lưu hành tiền giả.
Sáng 18/11/2024, Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng đã đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự về tội lưu hành tiền giả đối với 2 bị cáo: Lý Văn Duy và Nông Văn Chín.
Tại phiên tòa, 2 bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội và tỏ ra rất hối hận về việc làm của mình. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lý Văn Duy 3 năm 6 tháng tù; Nông Văn Chín 3 năm tù giam.
Ông Hoàng Thế Khuynh, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nhận định: Hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp nghiêm trọng, xâm phạm đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ, vi phạm các quy định pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Tại phiên tòa, chúng tôi cũng đã giải thích, tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý hành vi cũng như hậu quả do hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả gây ra đối với xã hội cho hai bị cáo và những người tham dự phiên tòa.
Trong câu chuyện trên, hai bị cáo là thanh niên trẻ tuổi, chỉ vì lòng tham và sự thiếu hiểu biết pháp luật đã dẫn đến hành vi phạm tội. Số tiền giả hai bị cáo tiêu thụ chỉ ứng với 1,5 triệu đồng, nhưng cả hai đã phải trả giá bằng bản án thích đáng. Đối với Lý Văn Duy, nếu ngay từ đầu phát hiện mình bị người khác dùng tiền giả để mua điện thoại lẽ ra cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng để điều tra, xử lý thì lại dùng chính số tiền giả đó để lưu hành. Không những vậy, Duy còn lôi kéo người khác vào hành vi này.
Câu chuyện là bài học, hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người về hành vi sử dụng tiền giả. Đồng thời cũng nhắc nhở người dân trong các hoạt động giao dịch, mua bán cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiểm tra kỹ khi nhận tiền, nhất là những tờ tiền có mệnh giá lớn và khi có các đối tượng lạ mặt đến mua hàng. Khi phát hiện có đối tượng lưu hành tiền giả người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tiền giả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ý kiến ()