Tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp: Khó trong khâu kết nối hộ thành viên
– Mặc dù cùng một hợp tác xã (HTX), song mỗi hộ thành viên lại không có sự kết nối trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, vai trò của HTX mờ nhạt, các hộ thành viên thì không có sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm. Thực tế đó đã và đang diễn ra ở nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Được thành lập từ năm 2018, HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Nà Trang, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn có 41 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây ăn quả như: ổi, bưởi, cam. Từ sự chủ động, nỗ lực của các hộ thành viên cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2019 đến nay, các hộ thành viên HTX đã duy trì tốt hoạt động sản xuất và có thu nhập từ lĩnh vực này.
Bà Hoàng Thị Kim, Giám đốc HTX cho biết: Sản phẩm cây ăn quả của HTX có chất lượng tốt, chính vì vậy, đã có những doanh nghiệp tại Hà Nội tìm đến đặt vấn đề ký kết hợp đồng thu mua với số lượng lớn. Tuy nhiên, nhiều hộ thành viên không đồng ý do giá phía doanh nghiệp đưa ra thấp hơn giá bà con mang đi tiêu thụ ngoài thị trường.
Mô hình trồng ổi tại HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Nà Trang
Theo phân tích của bà Kim, giá bán cho doanh nghiệp tuy thấp nhưng lại thành cao. Ví dụ doanh nghiệp thu mua đồng loạt với giá 6.000 đồng/kg ổi, còn bà con tự mang đi bán, thời điểm đầu thu hoạch thì được 10.000 đồng/kg, sau đó giảm dần và có lúc giảm xuống còn 5.000 đồng/kg cũng không bán hết. Bên cạnh đó, bà con sau khi thu hoạch còn phải rong ruổi khắp nơi để bán dẫn đến mất thêm nhiều thời gian, công sức. So đi, tính lại thì việc tiêu thụ cho doanh nghiệp vẫn có giá ổn định hơn, bà con cũng nhàn hơn. Tuy nhiên, nhiều hộ thành viên trong HTX vẫn chọn cách bán lẻ sản phẩm, từ đó HTX không thể ký hợp đồng bao tiêu với phía doanh nghiệp.
Chung tình trạng với HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Nà Trang, trên địa bàn tỉnh có nhiều HTX cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong đó có HTX Sản xuất rau an toàn tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc; HTX Sản xuất rau an toàn tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn; HTX Trồng cây ăn quả tại xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng; HTX Cây ăn quả xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn; một số HTX trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Chi Lăng… Mặc dù cùng sản xuất, kinh doanh dưới tên một HTX, nhưng khi tiêu thụ sản phẩm, mỗi hộ thành viên lại phải tự tiêu thụ riêng lẻ theo kiểu kinh tế hộ như trước khi vào HTX, từ đó khó tránh được tình trạng “được mùa, mất giá”, “giải cứu nông sản” đã diễn ra.
Vậy tại sao lại có sự hoạt động riêng lẻ như vậy ngay trong chính các HTX? Luật HTX năm 2012 quy định rất rõ: nghĩa vụ của HTX là thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa HTX với thành viên (quy định tại khoản 4, Điều 9). Còn quyền của thành viên HTX là được HTX cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ (quy định tại khoản 1, Điều 14). Như vậy, giữa HTX và các thành viên cần phải có hợp đồng dịch vụ để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh của HTX.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa HTX với thành viên trên địa bàn tỉnh rất ít. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 250 HTX nông nghiệp đang hoạt động nhưng hiện mới chỉ có 36 HTX nông nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với thành viên và người dân. Bên cạnh đó, năng lực quản trị của lãnh đạo một số HTX còn yếu, chưa xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, chưa tạo được niềm tin với các thành viên… Do đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên HTX mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm.
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về Luật HTX năm 2012 cho các thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát các HTX. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục có sự hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho HTX… Từ đó, giúp các HTX phát huy tốt vai trò “bà đỡ” của mình và các hộ thành viên có thể yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm
Ý kiến ()