Tiêu thụ nông sản và câu chuyện "tư duy ăn xổi"
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến việc tiêu thụ nông sản, nhất là trái cây tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Để giúp nông dân giảm thiệt hại vì nông sản ứ đọng, rớt giá, ngành chức năng một số địa phương đã có những giải pháp quyết liệt để gỡ khó cho đầu ra nông sản trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Tăng cường kết nối
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến không ít mặt hàng nông sản điêu đứng trước cảnh “được mùa mất giá”, hàng hóa ùn ứ… Thế nhưng chuyện “bí” đầu ra lại gần như không xuất hiện ở Hợp tác xã (HTX) Sản xuất-Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận (Hồng Ngự, Đồng Tháp). Với 160ha rau màu được trồng theo chuẩn VietGAP, có liên kết chặt chẽ với hệ thống siêu thị Co.opMart Đồng Tháp, An Giang, Công ty TNHH Chuỗi cung ứng thực phẩm Đồng Tháp; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn TP Cao Lãnh, bếp ăn tập thể Trường Mẫu giáo Thường Thới Tiền… nên đầu ra cho rau an toàn của bà con HTX được tiêu thụ ổn định.
Theo ông Dương Minh Sang, Giám đốc HTX Sản xuất-Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận: Trung bình mỗi ngày HTX cung ứng cho thị trường khoảng 4 tấn rau, củ các loại. Cuối năm 2020 đến nay, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh ít nhiều bị ngừng trệ, nhưng Co.opMart Đồng Tháp luôn giữ đúng hợp đồng đã ký kết với HTX. Đặc biệt, giai đoạn trước thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu hàng hóa của người dân tăng cao khoảng 100% so với ngày thường. Tuy nhiên, do đã ký kết hợp đồng với siêu thị nên HTX vẫn bảo đảm cung ứng đủ sản lượng”.
Giúp nông dân giảm thiệt hại vì nông sản ứ đọng, các địa phương như: An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long… đã triển khai hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ với các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi; các cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hội quán, hộ dân về tiêu chuẩn, quy cách hàng hóa, phương thức vận chuyển, thanh toán… Phối hợp tổ chức các tuần hàng, các đợt khảo sát vùng nguyên liệu… để kết nối, tiêu thụ hàng hóa nông sản; hỗ trợ kết nối hàng hóa nông sản của nông dân, doanh nghiệp vào bếp ăn tập thể, khu, cụm công nghiệp…
Mô hình “Mang chợ ra phố” vừa phòng dịch, vừa giúp tiêu thụ nông sản cho người dân. |
Là địa phương có hơn 22.000ha trồng cây ăn trái, sản lượng thu hoạch trên 83.000 tấn, để tránh tình trạng ùn ứ, TP Cần Thơ từng bước áp dụng giải pháp phù hợp đưa trái cây, nông sản vào siêu thị và chợ. Đặc biệt, sau một tuần thực hiện giãn cách, thành phố đã bố trí 43 điểm bán hàng theo mô hình “mang chợ ra phố”, 8 điểm chợ bình ổn giá, siêu thị 0 đồng, các xe bán hàng lưu động… Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết: “Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các siêu thị ưu tiên nhận nông sản của địa phương để giảm chi phí vận chuyển, vừa giải quyết được đầu ra cho nông dân, vừa đưa thực phẩm tươi ngon đến người tiêu dùng với chi phí thấp nhất. Chúng tôi cũng có văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 9 triển khai gian chợ 0 đồng ưu tiên hàng hóa, nông sản của TP Cần Thơ nhằm góp phần vừa ổn định đời sống cho bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, vừa giúp người nông dân tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch bệnh”.
Lên kịch bản tiêu thụ và phương án lâu dài
Cùng chung tay với người dân, bằng kinh nghiệm và sự linh hoạt, nhạy bén, ngay khi tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng đã xây dựng những kịch bản phòng bị. Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất nông nghiệp, nhất là hoạt động giao thương nông sản, tỉnh đã xây dựng kế hoạch khung tăng cường kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Theo đó, tỉnh sẽ huy động lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản, đồng thời chuẩn bị các kho cấp đông, trữ lạnh, thiết bị sấy nông sản của các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản, kết nối với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản thị trường nội địa và các kênh bán hàng trực tuyến. Trường hợp cần thiết, các địa phương có thể đề nghị đoàn viên, thanh niên, quân đội hỗ trợ.
Tính phương án lâu dài cho bài toán tiêu thụ nông sản mùa dịch, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang còn đẩy mạnh hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tham gia bán hàng online trên các trang thương mại điện tử, như: Voso.vn, Postmart.vn, Shopee, Lazada… đăng thông tin nông sản của tỉnh trên app Haugiang và phối hợp với ViettelPost, bưu điện tỉnh kết nối tiêu thụ nông sản. “Chúng tôi xác định, các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ dù hiệu quả nhưng chỉ giải quyết được khó khăn ở thời điểm hiện tại. Về lâu dài, cần khuyến khích các cơ sở chủ động tìm hướng mở rộng thị trường, quảng bá và bán hàng theo phương thức ổn định, bền vững trước thực trạng nhiều cách xúc tiến thương mại truyền thống không thể thực hiện được. Bán hàng online trên các trang thương mại điện tử là phương án mà địa phương nhận thấy hiệu quả cả trước mắt và lâu dài”, ông Nguyễn Văn Thậm, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang chia sẻ.
Ý kiến ()