Tiêu thụ nông sản: Tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường
(LSO) – Thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, các cấp, ngành của tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Lạc (xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng) xác định ngoài khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cần tập trung tìm kiếm, liên hệ với các đối tác ở các tỉnh, thành phố để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Ông Lý Văn Đại, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX chủ yếu là trồng loại cây ăn quả như: na, bưởi, táo, cam với diện tích khoảng 200 ha. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, Ban Quản trị HTX thông qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tìm hiểu và kết nối với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tham gia các hoạt động xúc tiến nông sản để tìm kiếm đối tác. Hiện nay, HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với 5 cửa hàng nông nghiệp sạch tại Hà Nội. Và đã liên hệ với siêu thị VinCom – Hà Nội để tham gia gian hàng quảng bá sản phẩm do hệ thống siêu thị VinCom tổ chức vào tháng 9 tới đây.
Đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu sản phẩm na Chi Lăng được huyện Chi Lăng tổ chức quảng bá tại Hà Nội
Để kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, UBND huyện Hữu Lũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX đến đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tổ chức cho doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Qua đó, một số sản phẩm nông nghiệp của huyện như: na, bưởi, cam, táo đại được kết nối đưa vào một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch tại Hà Nội như siêu thị VinCom, VinMart,… Tháng 10 tới đây, huyện sẽ tổ chức ngày hội hoa quả tươi Hữu Lũng, để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân.
Không chỉ riêng huyện Hữu Lũng, các huyện, thành phố đều rất quan tâm đến công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản. Qua đó, nhiều hoạt động, chương trình quảng bá sản phẩm đã được các huyện đưa vào kế hoạch hằng năm như: ngày hội quýt vàng Bắc Sơn; hội thi hồng Vành khuyên (Văn Lãng), hồng Bảo Lâm (Cao Lộc), ngày hội na Chi Lăng, tới đây là ngày hội hoa quả tươi Hữu Lũng và dự kiến năm 2020, huyện Văn Quan sẽ tổ chức lễ hội hoa hồi… Ngoài ra, các huyện đã chủ động lựa chọn, đưa những sản phẩm nông sản thế mạnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trên cả nước để quảng bá, mở rộng thị trường.
Cán bộ phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Lộc Bình giới thiệu sản phẩm khoai lang Lộc Bình đến du khách tại Hà Nội
Qua đó nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: chè (Đình Lập); hoa hồi, tinh dầu hồi (Văn Quan); rượu Mẫu Sơn; quýt Bắc Sơn; hồng Bảo Lâm; na Chi Lăng…đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và trở thành những sản phẩm được quan tâm trên thị trường. Đồng thời, đã có nhiều doanh nghiệp, HTX quan tâm và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Bà Lê Thị Dân, Trưởng phòng Thu mua, Công ty TNHH chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, 326 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Thông qua các diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do tỉnh Lạng Sơn tổ chức tại Hà Nội, tôi đã tìm hiểu, gặp gỡ một số doanh nghiệp, HTX nông nghiệp của Lạng Sơn. Qua đó, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển với Công ty Cổ phần ECI Lạng Sơn về thực hiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu sản phẩm nông sản của Lạng Sơn, nhất là các sản phẩm như: na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn,… để đưa vào hệ thống tại Hà Nội và một số tỉnh miền Trung.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp, 19 HTX ký kết với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước liên kết tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao hiệu quả xúc tiến nông sản hơn nữa, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tìm hiểu và lựa chọn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp tại các tỉnh, thành trên cả nước để quảng bá sản phẩm Lạng Sơn. Trong đó, duy trì một số chương trình hiệu quả như: hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tham dự hội chợ OCOP – hè do tỉnh Quảng Ninh tổ chức; tham dự chương trình “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”; tổ chức diễn đàn tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới phía Bắc với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Tại lễ khai mạc hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2019 vừa qua tại Hà Nội, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh Lạng Sơn rất mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; tỉnh cam kết luôn đồng hành, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX đến hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Góc nhìn từ doanh nghiệp
(LSO) – Để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, ngoài chất lượng sản phẩm, hoạt động quảng bá xúc tiến phải đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp đối tác. Vậy các doanh nghiệp mong muốn gì? Phóng viên Báo Lạng Sơn phỏng vấn nhanh đại diện một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: “Cần kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh”.
Theo đánh giá của hiệp hội, các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) góp phần quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, đa số các HTX nông nghiệp tại các tỉnh, trong đó có Lạng Sơn thường mới quan tâm đến khâu sản xuất. Tức là quá trình trồng, chăm sóc, tạo ra sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và phát triển, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm lại rất yếu. Vì vậy, để mở rộng thị trường tiêu thụ, các HTX cần liên kết trong sản xuất để tránh sản xuất nhỏ lẻ. Đặc biệt là phải kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh, cần có bộ phận nghiên cứu, phát triển thị trường, xây dựng kế hoạch cụ thể để quảng bá rộng rãi thương hiệu các sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Thu, cán bộ phụ trách thu mua, Tập đoàn Central Group Việt Nam: “Cần sớm thông tin về tình hình mùa vụ”.
Hiện nay, một số sản phẩm nông sản đặc sản của Lạng Sơn như: na, quýt, hồng, cao khô, hoa hồi,… được sản xuất ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng để đưa vào hệ thống siêu thị tại Hà Nội. Tuy vậy, việc thông tin về sản phẩm đến với chúng tôi như: mùa vụ, sản lượng… thường chậm. Tức là khi đến chính vụ thu hoạch, các HTX, doanh nghiệp có sản phẩm mới thông tin cho chúng tôi. Như vậy, chúng tôi sẽ bị động trong kế hoạch kinh doanh, việc sắp xếp sản phẩm theo chuỗi của hệ thống siêu thị không đảm bảo. Do vậy, mong các HTX, doanh nghiệp sẽ thông tin kịp thời về sản phẩm trước thời vụ thu hoạch từ 2 đến 3 tháng để chúng tôi chủ động trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Bà Tô Thu Sen, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nông nghiệp Việt, huyện Bắc Sơn: “Kết nối, tiêu thụ nông sản gắn với du lịch sinh thái”.
Thông qua phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Xúc tiến du lịch, công ty đón nhận các tour, đoàn khách du lịch trong cả nước đến với Bắc Sơn. Trong chương trình, công ty đưa đoàn đi tham quan các khu vườn sản xuất chanh leo, quýt, chế biến tinh dầu hồi. Tại mỗi điểm, khách du lịch được tham quan, trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất theo nông nghiệp sạch, thưởng thức sản phẩm tại chỗ, trao đổi trực tiếp với công nhân lao động, họ được mắt thấy, tai nghe về quy trình, chất lượng sản phẩm. Qua đó, khách du lịch không chỉ mua làm quà mà còn góp phần quảng bá sản phẩm rộng rãi. Và cũng từ đó, công ty đã tiếp cận, liên kết tiêu thụ sản phẩm với gần 10 đơn vị doanh nghiệp, HTX tại Hà Nội và một số tỉnh như: Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định… Theo tôi, đây là cách làm cần được chú trọng, nhân rộng.
Ý kiến ()