Tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới
Tổ viên Tổ hợp tác thị trấn Cao Lộc phát triển kinh tế từ trồng rau |
Thông tư 41 đã nêu rõ xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất khi có ít nhất 1 HTX hoặc tổ hợp tác (THT) có đăng ký, hoạt động đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo luật, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Trong đó thông tư cũng giải thích từ ngữ cụ thể, theo đó HTX hoạt động có hiệu quả khi đảm bảo được 3 yêu cầu: được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012; tổ chức được ít nhất 1 loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu theo đặc điểm từng vùng phục vụ thành viên HTX và người dân trên địa bàn; kinh doanh phải có lãi liên tục trong 3 năm liền kề (trường hợp mới thành lập thì cũng phải đủ 2 năm liền kề có lãi liên tục). Còn THT hoạt động có hiệu quả đảm bảo 2 yêu cầu: thứ nhất là thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động theo đúng qui định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP (Nghị định 151) ngày 10/10/2007 của Chính phủ và Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 9/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thứ hai là hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi liên tục trong 3 năm liền kề được UBND xã xác nhận (trường hợp thành lập mới thì cũng phải đủ 2 năm liên tục có lãi).
Cùng với cả nước, 3 năm qua, Lạng Sơn đã không ngừng nỗ lực tập trung vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có sự tham gia của lĩnh vực KTTT. Thế nhưng, nếu triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 41, các HTX tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là “đánh đố” các HTX. Ông Hoàng Văn Sóng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, trong đó có sự vào cuộc của lĩnh vực KTTT. Năm 2014 và những năm tiếp theo, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp để tập trung phát triển HTX, THT ở 35 xã điểm của tỉnh. Thế nhưng khó khăn đặt ra cho các HTX là nếu áp điều 17- tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất trong Thông tư 41 thì đến năm 2015 cũng chẳng có HTX nào đạt yêu cầu. Hiện nay đã là giữa tháng 4/2014 nhưng chưa có HTX nào chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, số HTX mới thành lập rất ít và cũng chưa thể đánh giá được hiệu quả hoạt động. Như vậy đã không đảm bảo được 1 trong 3 yêu cầu. Còn chưa kể đến việc nếu có đăng ký chuyển đổi trong năm 2014 thì đến 2015, làm sao có thể xác định HTX hoạt động có lãi 3 năm liền kề? (trường hợp mới thành lập thì cũng phải đủ 2 năm liên kề có lãi liên tục).
Thành lập và duy trì hoạt động của các HTX theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới gặp khó, việc tập trung vào các THT sẽ được ưu tiên lựa chọn. Lý do là việc thành lập các THT rất thuận tiện, nhanh chóng khi thủ tục đơn giản, hợp đồng liên kết sản xuất kinh doanh đơn giản và dễ phát sinh lãi hơn do tính rủi ro thấp. Điển hình như ở xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng. Ông Dương Minh Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết: để đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, chính quyền xã đã vận động người dân tham gia vào THT. Chỉ cần có chứng thực của UBND xã, THT thu mua nông sản Hòa Sơn được thành lập tháng 4/2013 và cho đến nay hoạt động vẫn rất ổn định, lợi nhuận không cao nhưng luôn duy trì ở mức có lãi. Cũng theo ông Phong, nếu vận động thành lập HTX ở Hòa Sơn thì sẽ khó hơn rất nhiều.
Không chỉ ở Hòa Sơn mà ở nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh, việc vận động thành lập THT cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu. Một phần vì các HTX hiện nay phát triển gặp rất nhiều khó khăn, phần khác vì THT dễ dàng hoạt động và đem lại kết quả nhanh chóng. Theo số liệu của ngành chức năng, năm 2011, toàn tỉnh mới có chưa đến 50 THT hoạt động đúng theo Nghị định 151 thì đến nay đã có 472 THT đăng ký theo đúng Nghị định 151. Cũng trong năm 2011, toàn tỉnh có 111 HTX hoạt động thì đến nay, con số này chỉ còn 84, trong đó số HTX hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng hoạt động cũng chiếm đến trên 50%.
Trái ngược với sự yếu kém, “hụt hơi” của các HTX là sự trỗi dậy, vươn mình mạnh mẽ của các THT trong khoảng 3 năm trở lại đây. Đặc biệt là khi có Thông tư 41, các THT càng có nhiều cơ hội vươn lên phát triển. Thế nhưng do dễ thành lập, không chủ động mở rộng được sản xuất kinh doanh, thị trường bó hẹp tại địa bàn nên mô hình THT thường thiếu tính bền vững, giá trị sản phẩm đem lại thường không cao. Số THT phát triển lên thành HTX rất ít… Tất cả những nguyên nhân đó càng làm cho lĩnh vực KTTT mà trực tiếp là các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.
Ý kiến ()