Tiết kiệm và hạn chế tổn thất điện
Năm nay, chưa đến mùa cao điểm nắng nóng nhưng ngành điện đã phải "gồng mình" lo điện. Theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện tiêu thụ năm 2011 sẽ lên tới hơn 117,6 tỷ kW giờ, tăng hơn 10 tỷ kW giờ so với năm 2010. Riêng mùa khô đạt tới 56 tỷ kW giờ, tăng hơn 18,3% so cùng thời điểm năm trước.Cũng chưa bao giờ, hạn hán, thiếu nước lại diễn ra nghiêm trọng như hiện nay. Lượng nước thiếu hụt ở các hồ thủy điện tương đương hơn ba tỷ kW giờ trong khi công suất các nhà máy thủy điện chiếm hơn 34% hệ thống điện. Theo tính toán, sau khi xả nước đợt 2 khoảng 1,5 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân, mực nước trong các hồ thủy điện dự kiến đến ngày 20-2 sẽ ở mức rất thấp, hồ thủy điện Hòa Bình dự kiến chỉ còn cao hơn mực nước chết từ 5 đến 8 m, hồ Tuyên Quang cách mực nước chết 9 m, Thác Bà cách mực nước chết hơn 3 m... Các nhà máy thủy điện đang phải...
Cũng chưa bao giờ, hạn hán, thiếu nước lại diễn ra nghiêm trọng như hiện nay. Lượng nước thiếu hụt ở các hồ thủy điện tương đương hơn ba tỷ kW giờ trong khi công suất các nhà máy thủy điện chiếm hơn 34% hệ thống điện. Theo tính toán, sau khi xả nước đợt 2 khoảng 1,5 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân, mực nước trong các hồ thủy điện dự kiến đến ngày 20-2 sẽ ở mức rất thấp, hồ thủy điện Hòa Bình dự kiến chỉ còn cao hơn mực nước chết từ 5 đến 8 m, hồ Tuyên Quang cách mực nước chết 9 m, Thác Bà cách mực nước chết hơn 3 m… Các nhà máy thủy điện đang phải gồng mình, tính toán tiết kiệm từng m3 nước để cân đối khả năng phát điện.
Do thiếu hụt sản lượng, không có nguồn dự phòng, cho nên ngành điện sẽ phải huy động cao nhất các nguồn giá cao như các nhà máy chạy dầu FO, DO (khoảng 4.000 đến 5.000 đồng/kW giờ) với sản lượng gần bốn tỷ kW giờ trong mùa khô 2011. Nếu như lúc đó Nhà nước vẫn phải bù lỗ nhập khẩu xăng, dầu như hiện nay thì đây là 'lỗ kép' cả về dầu lẫn điện.
Dự báo tình trạng thiếu điện vào mùa khô năm nay sẽ nghiêm trọng hơn năm 2010. Trước tình hình như vậy, EVN đã phải chỉ đạo các đơn vị điện lực lên kế hoạch điều hòa phụ tải, tiết giảm điện ngay từ đầu năm 2011. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, trong đó yêu cầu Bộ Công thương phải bằng mọi cách bảo đảm cung ứng điện ổn định ở mức cao nhất trong năm nay.
Biện pháp cấp bách nhất vẫn là Bộ Công thương, EVN và các tập đoàn: Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí quốc gia Việt Nam… tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ mọi khó khăn để sớm đưa thêm vào vận hành các nhà máy, tổ máy mới, nhất là nhiệt điện để tăng sản lượng cho hệ thống. Trong đó, EVN phấn đấu năm 2011 hoàn thành các nhà máy, tổ máy với tổng công suất gần 2.200 MW theo kế hoạch.
Các nhà máy điện cũng phải có kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng hợp lý, không để tình trạng nhiều tổ máy phải dừng để sửa chữa trong một thời điểm, nhất là mùa nắng nóng. Tập trung lực lượng, vật tư để khắc phục, sớm khôi phục các nhà máy, tổ máy nhiệt điện đang bị sự cố như Nhiệt điện Phú Mỹ 3 (công suất 720 MW) hoạt động bình thường, ổn định.
Việc tiết kiệm điện và hạn chế tổn thất điện là một yêu cầu hết sức cấp bách. Trước hết, ngành điện cần phải thực hiện các biện pháp giảm tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối điện, nhất là giảm tổn thất trong lưới điện hạ áp nông thôn. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức và hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích sử dụng các thiết bị điện tiên tiến, tiết kiệm năng lượng như đèn compact, bình nước nóng năng lượng mặt trời, hệ thống điều hòa biến tần… Đối với những ngày nắng nóng, sản lượng điện thiếu hụt nghiêm trọng thì ngành điện cần phối hợp các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, hạn chế những biển quảng cáo lớn sử dụng nhiều điện năng chiếu sáng về đêm không cần thiết; phối hợp các công ty chiếu sáng trong việc điều chỉnh hệ thống chiếu sáng công cộng hợp lý, tiết kiệm. Các cơ quan, công sở tăng cường quán triệt áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện đến từng CBCNV.
EVN cần phải phối hợp chặt chẽ các địa phương trong việc xây dựng phương án, thực hiện tiết giảm điện công bằng, minh bạch, thông báo trước với các khách hàng, bảo đảm các phụ tải quan trọng (bệnh viện, nhà máy nước…) được cấp điện ổn định, việc cắt điện luân phiên không được cắt điện kéo dài đối với một khu vực hoặc một phụ tải điện, không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, gây bức xúc trong dư luận. Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực cần tăng cường kiểm tra việc tiết giảm điện tại các địa phương theo đúng chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng phương án tiết giảm điện đã đề ra.
Các công ty điện lực địa phương cần tăng cường kiểm tra hệ thống đường dây, trạm biến áp phân phối, tránh để xảy ra tình trạng mất điện, nhảy điện do quá tải vì lượng điện sử dụng tăng đột biến những ngày cao điểm nắng nóng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()