Tiết kiệm trong mua sắm tài sản nhà nước
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong cơ cấu chi NSNN có xu hướng giảm trong khi tỷ trọng chi thường xuyên lại tăng rất nhanh. Để cân đối thu chi ngân sách, một trong những giải pháp quan trọng là tiết kiệm chi tiêu công.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, việc cân đối và huy động vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn nhưng chi thường xuyên tiếp tục tăng cao, với tỷ trọng khoảng 65% tổng chi (trước đây chỉ là 50%), nhưng chi đầu tư phát triển lại bị giảm từ 30% xuống còn 17% tổng chi NSNN. Với khả năng thu hiện nay, tổng thu NSNN không đủ để chi thường xuyên và trả nợ mà toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn bội chi, vốn vay của Chính phủ. Từ thực tế này, Bộ KHĐT kiến nghị, đối với cân đối thu chi NSNN, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp, trong đó cần quản lý chặt chẽ tài sản công, xây dựng kế hoạch và triển khai tổng rà soát số lượng và việc sử dụng tài sản công của các cơ quan, đơn vị để bảo đảm sử dụng có hiệu quả.
Phó Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh cho biết, mỗi năm, NSNN chi hàng trăm tỷ đồng để mua sắm công. Chính vì số tiền chi mua sắm rất lớn cho nên từ năm 2008, thực hiện các giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm tài sản, bảo đảm công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ mua sắm, Bộ Tài chính đã thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung đối với những hàng hóa có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn cho Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương đăng ký tham gia. Qua năm năm thực hiện, công tác mua sắm tài sản, hàng hóa từ NSNN theo phương thức tập trung ngày càng được hoàn thiện và mở rộng hơn về quy mô cũng như đối tượng mua sắm. Ban đầu, tài sản mua sắm chủ yếu là thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, trang thiết bị y tế, thiết bị tin học. Sau đó, có thêm các hàng hóa như ô-tô, phương tiện vận tải chuyên dùng, máy soi công-ten-nơ, trang phục ngành hải quan, máy đo khí CO2, N2, tem thuốc lá, dịch vụ bảo hiểm tài sản, thiết bị an toàn kho quỹ, phương tiện của lực lượng bảo vệ… Hình thức mua sắm cũng đa dạng hơn theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trong đó, hình thức đấu thầu rộng rãi là chủ yếu, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Mặc dù mới được thí điểm thực hiện nhưng phương thức này đã thể hiện được tính hiệu quả trong việc tiết kiệm cao nhất nguồn NSNN. Tổng hợp báo cáo trong năm năm thực hiện thí điểm từ các bộ, ngành và địa phương theo số dự toán và số thực tế mua sắm thì số tiền chênh lệch này là hơn 467 tỷ đồng (năm 2008 là 66,6 tỷ đồng; năm 2009 là 109,3 tỷ đồng; năm 2010 là 21,2 tỷ đồng; năm 2011 là 266,5 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm 2012 là 5,3 tỷ đồng). Kết quả này mới chỉ dừng ở con số 23 bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm một cách tự nguyện, cho nên nếu được nhân rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên cả nước và mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ buộc phải mua sắm tập trung thì số tiền giảm chi từ NSNN sẽ còn cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, quá trình thí điểm đã hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung; điều chỉnh từ khâu lập kế hoạch, giao dự toán mua sắm, xây dựng phương án tổ chức mua sắm, tổ chức đấu thầu mua sắm, bàn giao tài sản, hàng hóa cho đơn vị quản lý, sử dụng, bảo hành, bảo trì tài sản mua sắm, kiểm tra giám sát, công khai kết quả mua sắm, xử lý vi phạm, trách nhiệm tổ chức thực hiện… Về cơ bản, các quy định hiện hành đáp ứng được yêu cầu trong mua sắm tài sản theo phương thức tập trung.
Như vậy, qua năm năm thí điểm, hiệu quả mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt, bảo đảm giá thống nhất, tương đồng về kỹ thuật, việc sử dụng tài sản đạt hiệu quả cao, hạn chế các phát sinh kỹ thuật phải sửa chữa bất thường trong quá trình sử dụng tài sản. Việc tập trung đầu mối thực hiện mua sắm, tổ chức mua sắm với khối lượng tài sản lớn thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi là chủ yếu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa tham gia; cơ chế công khai, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được quy định chặt chẽ; từ đó góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng trong mua sắm tài sản nhà nước. Không những thế, phương thức này còn góp phần bảo đảm việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chặt chẽ, không còn tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả. “Có được điều này là do khi xây dựng kế hoạch mua sắm tập trung, các cơ quan quản lý đã rà soát kỹ lưỡng hiện trạng, nhu cầu trang bị tài sản của các cơ quan, đơn vị, đối chiếu với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản”, Phó Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh cho biết.
Mua sắm công theo phương thức tập trung là xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, giúp giải quyết được các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách gắn với mua sắm công, và yêu cầu thắt chặt chi tiêu công gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Với quy định mới về mua sắm tập trung, ngành tài chính đã thực hiện đổi mới quản lý tài sản công theo các nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Theo đó, đối với các mặt hàng thuộc danh mục mua sắm tập trung, thay vì từ hơn 100 nghìn đầu mối đơn vị đang cùng thực hiện một quy trình đấu thầu mua sắm đối với cùng một hoặc số loại tài sản như nhau (ô-tô, trang thiết bị phục vụ công tác, văn phòng phẩm…) sẽ thu gọn lại chỉ còn một số ít đầu mối.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()