Tiết kiệm là giải pháp hàng đầu
Mùa hè năm 2023, tại khu vực miền Bắc, dự báo nắng nóng sẽ xảy ra gay gắt hơn năm 2022. Để bảo đảm cung ứng điện ổn định phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong mùa nắng nóng, ngoài việc tích cực bổ sung nguồn điện, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã triển khai nhiều biện pháp khuyến khích tiết kiệm điện và nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp.
Có thể xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ
Dự báo của EVNNPC trong năm 2023, sản lượng điện thương phẩm tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc là hơn 90 tỷ kWh, tăng khoảng 4 tỷ kWh so với năm 2022; trong đó điện công nghiệp chiếm hơn 65%. Để đáp ứng sự tăng trưởng này, hệ thống điện miền Bắc cần phải bổ sung 4.200MW nguồn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đối với khu vực miền Bắc, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Dự kiến giai đoạn này, khu vực miền Bắc chỉ đưa vào 1.427MW nên việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh, thiếu điện cục bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8.
Chia sẻ về thách thức trong cung ứng điện tại khu vực miền Bắc trong cao điểm nắng nóng, ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho hay, lưới điện miền Bắc bị ảnh hưởng bởi nền nhiệt độ lớn và chênh lệch nhu cầu giữa thời gian cao điểm-thấp điểm rất cao. Dẫn tới, rất khó đoán định về phụ tải đỉnh. Cùng với đó, mưa được dự báo trong đợt tháng 5, 6 không nhiều, điều này gây nên không ít khó khăn trong việc điều hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên tuyên truyền về các giải pháp tiết kiệm điện. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Theo ông Vũ Anh Phương, Phó tổng giám đốc EVNNPC, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ xảy ra thiếu hụt công suất đỉnh vào các giờ cao điểm, đặc biệt những ngày nắng nóng gay gắt khoảng từ cuối tháng 4 đến tháng 8. Vì vậy, việc sử dụng điện tiết kiệm vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hiện nay.
Cần thêm chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện
Trong những năm qua, EVNNPC là đơn vị tiên phong trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. EVNNPC đã chủ động đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện tại gia đình, khu dân cư, trường học, công sở; hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, tư vấn xây dựng mô hình quản lý năng lượng, đánh giá quản lý nhu cầu điện cho khách hàng; hỗ trợ và cung cấp dịch vụ lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, EVNNPC đẩy mạnh thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện đối với khách hàng trọng điểm. “Với sự đồng hành của khách hàng sử dụng điện, sản lượng tiết kiệm điện năm 2022 của EVNNPC đạt 2% tổng sản lượng điện thương phẩm. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ từ 1 đến 3 triệu kWh/năm tự nguyện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải ngày càng tăng (năm 2022 đã tăng lên 3.536 khách hàng)”, ông Vũ Anh Phương cho biết.
Hiểu một cách đơn giản, thực hiện điều chỉnh phụ tải điện là khuyến khích khách hàng doanh nghiệp hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm, chuyển sang giờ thấp điểm, qua đó, giảm công suất cực đại giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải. Việc điều chỉnh phụ tải không chỉ tiết kiệm cho khách hàng mà còn giảm áp lực cho ngành điện. Bởi, nếu không thực hiện điều chỉnh phụ tải, ngành điện sẽ phải đầu tư rất nhiều vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện. Mức công suất tăng cao như vậy có thể chỉ kéo dài 10-15 phút, nhưng nhu cầu vốn đầu tư lại quá lớn khiến giá thành sản xuất điện tăng cao, tạo áp lực lên giá bán điện, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng điện.
Ghi nhận thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đều đánh giá cao vai trò của việc điều chỉnh phụ tải. Song, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc điều chỉnh phụ tải vẫn chưa thực sự có những cơ chế thúc đẩy tham gia mà mới chỉ dừng lại ở kêu gọi, điều này chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Theo ông Trần Nhật Ninh, Phó tổng giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Hải Phòng-đơn vị đã tham gia thực hiện điều chỉnh phụ tải nhiều lần: “Để thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành những hỗ trợ tài chính thiết thực với các doanh nghiệp khi tham gia chương trình này”.
Theo lãnh đạo EVNNPC, trong quá trình thực hiện điều chỉnh phụ tải, các đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn. Điển hình như, nhiều khách hàng không tính toán được lợi ích kinh tế, các ưu đãi cho khách hàng chưa đủ hấp dẫn. Khách hàng cho rằng dây chuyền sản xuất của mình đã tối ưu về tiêu thụ năng lượng. Một số khách hàng không chấp nhận tư vấn kiểm toán vì không muốn lộ bí mật công nghệ, thông tin doanh nghiệp. Đặc biệt, việc điều chỉnh phụ tải vẫn là tự nguyện nên khi thực hiện, một số khách hàng nêu lý do hoàn thành đơn hàng, không thể dừng sản xuất… EVNNPC cho biết, sẽ mở rộng đối tượng tham gia điều chỉnh phụ tải điện theo hướng không phân biệt ngành nghề mà tập trung vào các khách hàng có sử dụng công suất và khung giờ 12 giờ-15 giờ; 20 giờ-23 giờ. Đặc biệt, EVNNPC sẽ báo cáo để Bộ Công Thương có các cơ chế tài chính khuyến khích cho việc thực hiện điều chỉnh phụ tải điện và sớm có hướng dẫn chi tiết để thu hút khách hàng tham gia.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiet-kiem-la-giai-phap-hang-dau-724595
Ý kiến ()