Tiết giảm chi phí của doanh nghiệp nhà nước
Năm 2012, Công ty cổ phần May đề ra nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, góp phần hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. Trong ảnh: Phân xưởng sản xuất áo vest của công ty. Việc cắt giảm tối thiểu từ 5 đến 10% chi phí tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là yêu cầu bắt buộc thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012.Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng, đây là giải pháp căn cơ và lâu dài cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trước mắt, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn dệt may Việt Nam, EVN, Vinalines, Petrolimex... đã đi tiên phong, để đến hết quý I năm nay, tất cả các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước sẽ thực hiện nghị quyết này và có kế hoạch báo cáo Bộ Tài chính để Bộ tổng hợp và báo cáo với Chính phủ.Chủ trương tiết giảm chi phí trong hoạt động của các DNNN là cần thiết và đúng đắn, bởi tiết kiệm chi phí sản xuất nói chung, chi...
Năm 2012, Công ty cổ phần May đề ra nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, góp phần hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. Trong ảnh: Phân xưởng sản xuất áo vest của công ty. |
Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng, đây là giải pháp căn cơ và lâu dài cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trước mắt, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn dệt may Việt Nam, EVN, Vinalines, Petrolimex… đã đi tiên phong, để đến hết quý I năm nay, tất cả các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước sẽ thực hiện nghị quyết này và có kế hoạch báo cáo Bộ Tài chính để Bộ tổng hợp và báo cáo với Chính phủ.
Chủ trương tiết giảm chi phí trong hoạt động của các DNNN là cần thiết và đúng đắn, bởi tiết kiệm chi phí sản xuất nói chung, chi phí tài chính nói riêng là yêu cầu và cách thức để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh ngày càng mở rộng toàn cầu hóa, hội nhập và cạnh tranh thị trường gay gắt hơn. Đối với các DNNN, đó còn là biểu hiện của mục tiêu nâng cao trách nhiệm xã hội của các DNNN tương xứng với vai trò của khu vực này trong nền kinh tế đất nước. Thực tế cho thấy, các DNNN nói chung, các tập đoàn và TCT nhà nước nói riêng còn nhiều dư địa cho chủ trương tiết kiệm chi phí tài chính, gắn với sự cồng kềnh của bộ máy, sự lãng phí trong đầu tư và chi tiêu, cùng nhiều kẽ hở trong quản lý tài chính vĩ mô và vi mô, cả từ phía Nhà nước, cũng như từ phía DN.
Trước hiện tượng lãng phí trong chi tiêu và đầu tư công ở khu vực kinh tế nhà nước đã và đang diễn ra ngày càng nặng nề, bất chấp các quy luật kinh tế và quy định pháp lý chung, chủ trương này là tín hiệu mới cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc xiết chặt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các DNNN, nhằm tạo chuyển biến mạnh thật sự trong phát triển kinh tế đất nước theo con đường bền vững hơn. Hơn nữa, thay vì kêu gọi chung chung, đã đến lúc cần lượng hóa các yêu cầu quản lý nhà nước thành các chỉ tiêu định lượng và tài chính bắt buộc trong quản lý nhà nước đối với DNNN. Kinh nghiệm ở Hà Nội cho thấy, việc ngành tài chính buộc ngành cấp nước của Hà Nội phải giảm thất thu, thất thoát việc cấp nước sạch hằng năm theo chỉ tiêu định lượng cụ thể và phù hợp đã có tác dụng giảm dần tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch từ hơn 50% trước kia, xuống còn trên dưới 25% tổng khối lượng nước sạch sản xuất hiện nay và sẽ còn tiếp tục được cải thiện. Vì vậy, đối với một số tập đoàn và TCT nhà nước, hoàn toàn có thể nâng cao hơn tỷ lệ tiết kiệm trên 10%…
Để thực hiện tốt chủ trương này, mỗi DN cần có phương án tổng thể và bước đi cụ thể, thích hợp với đơn vị mình; đồng thời, cần chú ý những điểm nhấn sau:
Thứ nhất, tăng cường tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc sản phẩm, thị trường, công nghệ và bộ máy quản lý, tuân thủ các quy định chung về quản lý nhà nước, đồng thời đáp ứng các nguyên tắc thị trường ngày càng đầy đủ hơn. Đặc biệt, đi sâu vào cải cách cơ chế quản trị tài chính và giảm chi phí thường xuyên, các chi phí phi sản xuất, cũng như các chi phí làm tăng giá thành.
Thứ hai, tăng cường phân công trách nhiệm cá nhân rõ ràng trong các quy trình quản lý; áp dụng các chế độ khoán chi và kiểm soát chi tài chính vừa nghiêm ngặt, vừa mềm hóa, hướng đến kết quả coi trọng chất lượng sản phẩm cuối cùng và hiệu quả đầu ra; đồng thời, tăng cường việc mua và sử dụng chung các sản phẩm và dịch vụ công trong nội bộ ngành, tập đoàn và TCT nhằm tiết kiệm chi phí và tăng thêm các ưu đãi trong mua sắm tài sản công. Ngày 16-2-2012, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 148/QĐ-BTC về việc phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực tài chính, tài sản tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, dự án vay nợ, viện trợ thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, chín loại hàng hóa, dịch vụ sẽ phải thực hiện mua sắm tập trung gồm: xe ô-tô các loại; hàng hóa, dịch vụ công nghệ thông tin; máy phát điện, máy soi các loại của ngành hải quan, hệ thống camera giám sát của ngành hải quan; trang phục; in, mua ấn chỉ, sách, tài liệu phục vụ tuyên truyền, lịch; công cụ hỗ trợ, vũ khí quân dụng; trang thiết bị văn phòng; tài sản, vật tư phục vụ nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ nhà nước; bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hàng hóa dự trữ nhà nước. Sau khi áp dụng mua sắm tập trung, chín nhóm tài sản này sẽ được sử dụng chung trong toàn ngành tài chính hoặc trong toàn đơn vị có hệ thống dọc từ trung ương xuống địa phương nhằm hạn chế những chi phí bất hợp lý… Rõ ràng, đó là kinh nghiệm tốt và cần được áp dụng rộng rãi trong không chỉ các bộ chức năng, mà còn trong các tập đoàn, TCT và DNNN.
Thứ ba, tăng cường cập nhật, chính xác, minh bạch hóa và công khai hóa thông tin tài chính; nhất là các thông tin về chi tiêu thường xuyên của từng đơn vị, công đoạn, và quy trình hoạt động và quản lý của DN. Xây dựng, công khai và kiểm soát áp dụng chặt chẽ các chế tài đủ nghiêm khắc nhằm hạn chế và xử lý kịp thời các quyết định đầu tư và chi tiêu vô trách nhiệm, thiếu hiệu quả và các hành vi tham nhũng, lãng phí tài chính các loại khác.
Điều cần nhấn mạnh là các tập đoàn, TCT và DNNN phải bảo đảm để các quy định và hoạt động tiết kiệm đó là thực chất, tránh hình thức kiểu “được chỗ hà, ra chỗ hổng”, hoặc “đánh bùn sang ao”… Vì vậy, quy định bổ sung những khoản nộp NSNN bắt buộc từ các khoản tiết kiệm này về NSNN các cấp là điều cần làm trong thu và quản lý NSNN thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()