Thứ 4, 25/12/2024 06:54 [(GMT +7)]
Tiếp vốn cho nông nghiệp, nông thôn: Nỗ lực của ngành ngân hàng
Thứ 5, 06/12/2012 | 10:10:00 [(GMT +7)] A A
Với sự nỗ lực, tạo điều kiện, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng trên địa bàn đã góp phần đắc lực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh. Thực hiện chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn trong năm 2013, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách thực hiện tốt chính sách tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
LSO-Trong bối cảnh khó khăn, lạm phát gia tăng, thị trường có nhiều biến động, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định về những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012, trong đó tập trung những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tiếp tục ưu tiên vốn cho phát triển tam nông. Lạng Sơn là một tỉnh miền núi có hơn 80% cư dân sống bằng nghề nông, đời sống người dân còn nghèo, nên nguồn vốn càng có vai trò quan trọng hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, chung tay cùng với các cấp, ngành, trong thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh đã tích cực triển khai, thực hiện chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn trên địa bàn. Qua đó, tiếp vốn kịp thời, giúp nông dân khắc phục những trở ngại, khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh
Với vai trò quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã quan tâm quán triệt, thực hiện kịp thời các nghị quyết của Chính phủ, thông tư, chỉ thị của Ngân hàng nhà nước Việt Nam có liên quan đến chính sách tiền tệ tới các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách đang hoạt động tại địa bàn. Để thực hiện tốt tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh về công tác chỉ đạo thực hiện; chỉ đạo các ngân hàng bằng những văn bản, tổ chức hội nghị triển khai, thanh tra, kiểm tra và thường xuyên theo dõi hoạt động của các đơn vị để có những đánh giá, chấn chỉnh kịp thời trong hoạt động. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra từ đầu năm đến nay, cơ bản các ngân hàng thực hiện tốt chính sách tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn. Các ngân hàng đã bám sát tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, chủ động điều chỉnh cơ cấu dư nợ theo định hướng của Chính phủ: tăng cường vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cho vay phát triển các ngành, nghề, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chấp hành nghiêm túc lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn đúng theo quy định, lãi suất cho vay ở mức phổ biến 12-14%/năm, cho vay một số ngành, nghề ưu tiên với mức thấp: 11/%/năm. Trong bối cảnh chung, mặc dù có nhiều khó khăn trong hoạt động tín dụng, như phải đối mặt với nợ xấu tăng, nhưng các ngân hàng đều hướng nguồn vốn cho vay phát triển lĩnh vực này, như: Ngân hàng TMCP Công thương có chương trình cho vay tạm trữ thóc gạo vụ đông xuân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hơn 60% dư nợ đầu tư cho nông dân, nông thôn… Trong 2 năm qua, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Thông tư số 14/2010/TT-NHNN không ngừng tăng, tính đến hết tháng 10/2012, dư nợ đạt 2.325 tỷ đồng, tăng 448 tỷ đồng (23%) so với thời điểm 31/12/2011, trong đó cho vay chi phí sản xuất nông, lâm nghiệp 1.015 tỷ đồng, cho vay phát triển ngành nghề nông thôn 316 tỷ đồng, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm nghiệp 404 tỷ đồng; đối tượng vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh (chiếm 77,3%). Riêng đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh được giao nhiệm vụ điều phối, cho vay vốn ưu đãi các chương trình vốn của Chính phủ trên địa bàn, đơn vị đã nỗ lực đưa nguồn vốn đến người dân ở khắp các vùng nông thôn, đóng góp thiết thực cho xây dựng nông thôn mới. Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Ngân hàng luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác vốn tuyên truyền, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, đáp ứng nhu cầu vốn trong dân. Hiện tổng dư nợ các chương trình vốn khoảng hơn 1.513 tỷ đồng, giúp hàng chục nghìn hộ dân có vốn sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ xây dựng hơn 16 nghìn công trình bể chứa nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ở vùng nông thôn, hàng nghìn lao động nông thôn được tạo việc làm…
Với sự nỗ lực, tạo điều kiện, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng trên địa bàn đã góp phần đắc lực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh. Thực hiện chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn trong năm 2013, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách thực hiện tốt chính sách tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Lâm Như
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()