Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Sáng 15-1, Ban Bí thư T.Ư Ðảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Ðến dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư T.Ư; Ðinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Ðề án "Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Vũ Ðức Ðam, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Ðồng chí Ðinh Thế Huynh báo cáo tóm tắt tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (NQ T.Ư 5) về văn hóa, trong đó nêu bật tầm quan trọng và ý nghĩa của việc ra đời nghị quyết trong bối cảnh phát triển của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Văn hóa ngày càng thể hiện rõ vai trò và vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước và trở thành một nội dung lớn trong hoạt động của cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ về kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng con người. Nhận thức về văn hóa của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và nhân dân đã có bước chuyển biến và ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống đã được coi trọng. Môi trường văn hóa được cải thiện và có một số mặt tiến bộ. Các nguồn lực dành cho phát triển văn hóa theo phương thức xã hội hóa được khai thác, phát huy. Nhân dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, quá trình thực hiện nghị quyết cũng bộc lộ nhiều yếu kém, kết quả đạt được chưa tương xứng tiềm năng và điều kiện, đồng thời chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, thiếu vững chắc và chưa gắn kết chặt chẽ văn hóa với kinh tế, chính trị; chưa tác động hiệu quả trong xây dựng con người và các hệ giá trị mới của văn hóa Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Trên cơ sở đánh giá quá trình thực hiện NQT.Ư 5, báo cáo đã định hướng tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới với mục tiêu chung: giải phóng mạnh mẽ năng lực sáng tạo của mọi người dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 là phải phấn đấu đạt được những tiến bộ mới trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hình thành hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh ghi nhận và biểu dương Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập xây dựng Ðề án đã phối hợp các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai việc tổng kết 15 năm thực hiện NQT.Ư 5, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị về lý luận và thực tiễn. Ðồng chí Lê Hồng Anh đã nêu lên bảy nội dung cần lưu ý trong thực hiện những nhiệm vụ của đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thời gian tới, trong đó phấn đấu để đạt được những tiến bộ mới, rõ nét trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất mà đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ. Sự lãnh đạo của Ðảng trên các lĩnh vực văn hóa cần được tăng cường; xây dựng văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý trong hệ thống chính trị và thúc đẩy vai trò quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển văn hóa, đẩy nhanh việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng về văn hóa, xử lý hài hòa mối quan hệ xây dựng Ðảng với phát triển kinh tế. Hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực và quan hệ con người. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị truyền thống, đạo lý của dân tộc và có chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Ðồng chí Lê Hồng Anh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Ðề án tiếp tục lấy ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Ðề án, giúp T.Ư có chủ trương đúng đắn trong xây dựng các chính sách về văn hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho công tác tổng kết NQT.Ư 5, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong tình hình mới. Nhìn chung các ý kiến đều nêu bật tầm nhìn chiến lược của Ðảng ta thể hiện trong các nội dung của NQ T.Ư 5 và những yêu cầu cấp thiết trong việc đề ra các giải pháp khắc phục những yếu kém, hạn chế. Nhiều ý kiến cũng khẳng định sự cần thiết trong việc ban hành những quyết sách mới về văn hóa cho phù hợp tình hình phát triển mới của đất nước. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ðinh Thế Huynh đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự, đồng thời trình bày rõ thêm một số vấn đề. Ðồng chí nhấn mạnh: Tư tưởng, đạo đức, lối sống là vấn đề cốt lõi của văn hóa, do vậy, cần có những biện pháp quyết liệt, liên tục, chặn đứng những suy thoái, tạo tiền đề và điều kiện vững chắc cho phát triển văn hóa. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc để công tác chỉ đạo, quản lý việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc ngày một tốt hơn. Cho dù bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều biến đổi nhưng các quan điểm chỉ đạo nêu trong NQT.Ư 5 về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị. Hướng bổ sung, hoàn thiện là làm rõ mục tiêu, động lực của văn hóa không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội mà còn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển toàn diện con người; làm rõ nhiệm vụ cơ bản của xây dựng nền văn hóa không những có tính tiên tiến, dân tộc mà trọng tâm, cốt lõi là xây dựng nhân cách con người, nhấn mạnh vai trò nòng cốt của trí thức, văn nghệ sĩ trong xây dựng và phát triển văn hóa. Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, tư tưởng, đạo đức, lối sống con người, nhiệm vụ mới được nêu ra là xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa trong kinh tế, xây dựng một nền công nghiệp văn hóa hiện đại đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng thời với bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa dân tộc.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()