Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục các dân tộc rất ít người
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 – 2015.
Hội nghị sơ kết 3 năm Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc |
Tính đến hết năm 2013, các địa phương đã xây dựng được 72 phòng học, 45 phòng công vụ cho giáo viên. Đồ dùng thiết bị dạy học cũng được trang bị cho các điểm trường tiểu học có học sinh dân tộc rất ít người từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí gần 53 triệu đồng. Số phòng học được xây dựng đạt 67,29%, số phòng công vụ giáo viên đạt 41,03% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, Nghệ An, Kon Tum là hai tỉnh hoàn thành kế hoạch xây dựng phòng học và đạt chỉ tiêu cao nhất về xây nhà công vụ cho giáo viên. Tỉnh Lào Cai đạt chỉ tiêu thấp so với kế hoạch đề ra.
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn một số tài liệu đặc thù, hỗ trợ giáo viên, học sinh các dân tộc rất ít người và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, giúp giáo viên triển khai tốt nội dung chương trình dạy học. Tổ chức tập huấn cho hơn 300 giáo viên và cán bộ quản lý của Sở GD&ĐT, phòng GG&ĐT và các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên đã hiểu rõ hơn về tâm lý học sinh, bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người, từ đó có phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng học tập của học sinh dân tộc rất ít người. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người đã được nâng lên, hầu hết đã đạt chuẩn theo quy định.
Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được thực hiện khá tốt. Đã có 1.605 trẻ mẫu giáo 3 – 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các trường, lớp mẫu giáo thôn, bản; 2.345 học sinh tiểu học được học tại các điểm trường tiểu học thôn bản; 1.570 học sinh dân tộc rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; 391 học sinh dân tộc rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và 48 em dân tộc rất ít người được vào học TCCN, dự bị, cao đẳng, đại học.
Thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, có tổng số 5.959 trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được hưởng các chính sách hỗ trợ về học tập, trong đó Hà Giang 1.105 em; Lai Châu 3.333 em; Kon Tum 216 em; Lào Cai 398 em; Điện Biên 595 em; Nghệ An 312 em.
Các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác huy động học sinh dân tộc rất ít người đến trường. Cụ thể, năm học 2012 – 2013, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 96,85%; cấp tiểu học đạt 99,72%; cấp THCS đạt 93,89%; cấp THPT đạt 81,67%, tăng cao so với năm học 2009 – 2010 khi chưa có Đề án.Do được hưởng các chính sách hỗ trợ về học tập của Đề án và sự nỗ lực cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục của các các cơ sở giáo dục nên không chỉ giảm đáng kể tỷ lệ học sinh các dân tộc rất ít người bỏ học, một số dân tộc như Cờ Lao, Pu Péo không có học sinh bỏ học và lưu ban mà chất lượng giáo dục cũng được nâng lên khá rõ rệt.
Học sinh các dân tộc rất ít người được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú; phổ thông dân tộc bán trú được học 2 buổi/ngày. Các nội dung giáo dục đặc thù về văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hoạt động ngoài giờ lên lớp được tăng cường. Việc dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc rất ít người đã được chú trọng, chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh các dân tộc rất ít người đã được nâng lên.
Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình triển khai Đề án như: việc xây dựng cơ sở vật chất đối với các điểm trường tiểu học còn chậm, chưa đạt kế hoạch đặt ra nên hoạt động này phải tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo (vì theo Đề án hoạt động này phải hoàn thành trong giai đoạn 2010 – 2012); tỷ lệ nhập học của một số dân tộc rất ít người chưa cao như: dân tộc Brâu, Si La. Cụ thể năm học 2012 – 2013, tỷ lệ nhập học của học sinh dân tộc Brâu (tỉnh Kon Tum) cấp THCS chỉ đạt 43,9%, dân tộc Si La (tỉnh Điện Biên) cấp THCS đạt 76,7%.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục học sinh các dân tộc rất ít người, Bộ GD&ĐT trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu học có học sinh các dân tộc rất ít người; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương bố trí kinh phí hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường theo đúng tiến độ, hiệu quả; các bộ, ngành ưu tiên đầu tư kinh phí cho phát triển GD&ĐT vùng có đồng bào các dân tộc rất ít người và đảm bảo các chế độ chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên những dân tộc này.
Ý kiến ()