Tiếp tục tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Syria
Ngày 17/2, các quốc gia ủng hộ cho phe đối lập của Syria cùng nhóm họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Bonn (Đức) để thống nhất hành động và xem xét quan điểm của Mỹ vào thời điểm chỉ vài ngày trước khi nối lại vòng đàm phán Geneva giữa các bên tham chiến.
Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của nhóm gồm khoảng 10 quốc gia phương Tây và Arabe cũng như Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhậm chức cách đây gần một tháng. Và một lần nữa, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ vẫn là trung tâm chú ý của các đối tác, với nhiều lo lắng và hoài nghi về khả năng Washington thay đổi quan điểm về cuộc xung đột đẫm máu và vô cùng phức tạp này.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Pháp cho biết: “Về cuộc chiến chống IS, chúng tôi bảo đảm rằng mọi cam kết của Mỹ vẫn như vậy. Nhưng về khía cạnh chính trị của vấn đề, chúng tôi không hiểu quan điểm của Mỹ sẽ thế nào”.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã nhiều lần nói rằng, cuộc chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là một ưu tiên của ông và kêu gọi đưa ra nhiều kế hoạch cho một chiến lược mới vào cuối tháng này. Ông cũng dự kiến tăng cường hợp tác với Nga triển khai những vụ tấn công chống lại tổ chức thánh chiến.
Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Pháp, “những người Mỹ sẽ dần dần nhận thấy rằng, cuộc chiến chống IS cũng liên quan tới nhiều sự lựa chọn trong khu vực và một tầm nhìn trong dài hạn”.
Trước đó, ngày 16/2, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng ta cần đoàn kết để nối lại được các cuộc đàm phán Geneva”. Về phần mình, một nhà ngoại giao châu Âu thì cho rằng: “Mục tiêu của chúng ta là phải bảo đảm tiến trình hòa bình trở lại dưới sự kiểm soát của Liên hợp quốc”. Những vòng đàm phán trước đây tại Geneva hồi năm 2006 đã bị thất bại do tình trạng bạo lực tái diễn tại Syria và những bất đồng sâu sắc giữa các bên tham chiến về quá trình chuyển giao chính trị và số phận của nhà lãnh đạo Syria.
Trong khi đó, ngày 16/2, vòng đàm phán lần thứ hai về hòa bình Syria diễn ra hai ngày ở Astana (Kazakhstan) do Nga bảo trợ đã kết thúc mà không có tiến triển nào. Các bên tiếp tục tranh cãi gay gắt và đổ lỗi cho nhau, khiến hội nghị kết thúc mà không đạt được tuyên bố chung.
Trong một diễn biến có liên quan khác, Cố vấn của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Jan Egeland cùng ngày đã chỉ ra rằng, cần đạt được một thỏa thuận nhằm xóa bỏ cái mà theo ông đánh giá là “vũng lầy hành chính”.
Kể từ đầu năm nay, các cơ quan nhân đạo và đối tác của họ đã không thể tiếp cận với một khu vực bị bao vây tại Syria bằng đường bộ. Hơn 600.000 người ngày càng dễ bị tổn thương, sau 6 năm chiến tranh, hiện không được trợ giúp tại 13 khu vực bị bao vây và rất khó để tiếp cận. Theo Cố vấn Jan Egeland, loại bỏ những trở ngại này là một “vấn đề sống còn” đối với rất nhiều người.
Ông Egeland cho biết trong những ngày gần đây, các “tay súng” đã tấn công 2 trong số 3 đoàn xe để dỡ bỏ các bộ dụng cụ y tế tiêu chảy cho trẻ em và thai sản cho phụ nữ có thai. “Chúng tôi hy vọng và tin rằng mọi việc sẽ thay đổi ngay hôm nay. Nó cần phải thay đổi ngay. Bởi vì nếu chúng ta không tới được 'bốn thành phố' (Foah, Kafraya, Madaya và Zabadani), chúng ta sẽ lại thấy những cảnh tượng từng thấy khi mọi thứ bắt đầu cách đây một năm: những người bị đói” – ông nói thêm./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()