Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành
LSO-Sáng 26/12/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn |
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2016, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được triển khai tích cực, trên tất cả các lĩnh vực; dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi được kiểm soát tốt. Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất tăng 1,44%, trong đó: trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thủy sản tăng 2,91%. Trong xây dựng nông thôn mới, cả nước có 2.235 xã (chiếm 25,07%) đạt chuẩn nông thôn mới; 30 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2017, toàn ngành phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 2,5-2,8%; giá trị sản xuất tăng 3,0-3,2%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,4%; kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 30-32,5 tỷ USD;…
Đối với Lạng Sơn, năm 2016, nông nghiệp đã có bước chuyển biến khá tích cực: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,36%, tỉ trọng ngành nông lâm nghiệp trong cơ cấu GDP chung toàn tỉnh chiếm 30,87%; tổng sản lượng lương thực đạt 324,6 nghìn tấn, vượt 5,4% kế hoạch, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2015; trồng rừng mới đạt 10.586 ha, vượt 18% kế hoạch;…
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận, nêu ý kiến kiến nghị với Chính phủ, để tiếp tục tạo điều kiện phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong năm 2017, ngành nông nghiệp và các bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành, trọng tâm là quy hoạch và đầu tư xây dựng nhóm sản phẩm chủ lực của quốc gia, của địa phương và của vùng miền; tổ chức lại sản xuất với các hình thức phù hợp; phát triển mạnh công nghiệp chế biến; áp dụng khoa học và công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng và đảm bảo tính bền vững. Mặt khác tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ nông sản;…
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()