Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg để ứng phó hiệu quả dịch Covid-19
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm trong phòng, chống Covid-19; đánh giá cao Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác có nhiều biện pháp cương quyết, đồng bộ, quyết liệt trong cách ly xã hội, thực hiện nghiêm các Chỉ thị 15 và 16/CT-TTg. Nhân dân cũng cơ bản ủng hộ chủ trương của Chính phủ về cách ly xã hội. Tuy nhiên, mấy ngày qua bắt đầu có sự lơi lỏng, người dân ra nơi công cộng nhiều hơn so những ngày trước đó; một số cửa hàng, cửa hiệu không trong diện được kinh doanh vẫn mở cửa. Ngành y tế, các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, ứng dụng khoa học công nghệ…, nhưng tình hình lây nhiễm cộng đồng vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch Hạ Lôi mới đây, chưa kể các ca nhiễm chưa được phát hiện, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Thủ tướng cũng lưu ý tình hình dịch trở nên phức tạp ở một số nơi trên thế giới. Do đó, chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác; phải thực hiện nghiêm trong thời gian ngắn để không phải thực hiện phong tỏa trong thời gian dài. Chúng ta thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên lớn vẫn bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, không vì kinh tế mà coi thường sức khỏe nhân dân. Đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý công việc cụ thể hiện nay.
Chính vì vậy, việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 trong giai đoạn này là rất quan trọng. Đến ngày 15-4 tới, Thường trực Chính phủ sẽ xem xét lại cụ thể tình hình để xử lý căn bản hơn trên cơ sở đề nghị của các cấp, các ngành và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Cho nên, việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đám đông… cần tiếp tục được thực hiện nghiêm ở các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn, những địa phương có dịch. Nói chung, Chỉ thị 16 vẫn tiếp tục có hiệu lực. Nếu chúng ta lơi lỏng thì dễ “vỡ trận”, xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, nhân dân đã dày công thực hiện mấy tháng qua. Những nguyên tắc cơ bản vẫn là khóa chặt từ bên ngoài; tích cực chữa trị từ bên trong; khoanh vùng, dập dịch nhanh và hiệu quả; có nguyên tắc chặt chẽ trong việc đón một số em học sinh ở các nước về do hoàn cảnh bị cách ly gia đình quá lâu nhưng dù là ai ở nước ngoài về cũng phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm tại ngành, địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình. Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ có quyết định cụ thể về vấn đề hình thành 63 đội truy tìm và dập dịch để tăng cường khoanh vùng, dập dịch nhanh, phát hiện nhanh, không để lây lan trong cộng đồng, nhất là những bệnh nhân gây hậu quả xấu như BN 243.
Về một số đề nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng cũng đồng ý một số giải pháp không dùng tiền mặt, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn chỉnh, đưa vào ứng dụng phần mềm giám sát, truy vết đối tượng. Đây là tiến bộ lớn, rất đáng mừng.
Thủ tướng nhắc lại chủ trương hạn chế nhập cảnh Việt Nam, có lộ trình chặt chẽ, thực hiện chặt chẽ theo sự chỉ đạo với tinh thần ngăn chặn tối đa nguồn lây từ bên ngoài. Thủ tướng cũng biểu dương lực lượng bộ đội biên phòng ngày đêm gian khổ để kiểm soát đường mòn, lối mở ở biên giới, qua đó góp phần ngăn chặn dịch. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế và các loại trang thiết bị bảo hộ chống dịch cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch trên tinh thần bảo đảm đủ cơ số dự trữ trong nước. Các bộ, ngành như Công thương, Y tế và các cơ quan liên quan làm nhanh các thủ tục, không để chậm chễ, mất thời cơ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tập trung để hình thành ngành sản xuất máy thở của Việt Nam. Yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp, các công trường thi công, nhà máy…, tập trung vào các đối tượng người yếu thế, công nhân, lái xe, người phục vụ…, coi trọng tăng cường trang bị bảo hộ an toàn.
Thay mặt Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng biểu dương Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia ngày đêm phân tích dữ liệu, đáp ứng kịp thời tìm kiếm, truy vết các ca bệnh và đối tượng liên quan, sản xuất một số thiết bị phục vụ xuất khẩu. Lực lượng khoa học công nghệ, nhất là của ngành y tế là thành công và cũng là cơ hội của Việt Nam. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc học và thi ở các cấp học để Thường trực Chính phủ quyết định việc này. Yêu cầu Bộ Công an, đặc biệt là công an các địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho người dân; điều tra, xử lý nghiêm một số vụ vi phạm. Thủ tướng đề nghị Thường trực Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo có một số phương án để ngày 15-4, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các cơ quan xem xét cụ thể, đánh giá đầy đủ tình hình, nhất là các nguy cơ, đồng thời xem xét vấn đề cách ly xã hội.
* Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các đơn vị công nghệ thông tin triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh từ xa với ba bệnh viện được áp dụng thí điểm gồm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hà Nam. Bước đầu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai ở Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hà Nam và Viettel triển khai ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang kháng nước, kháng khuẩn 870 phục vụ xuất khẩu và nhu cầu trong nước. Đối với khẩu trang y tế, giao Bộ Y tế rà soát, thống kê năng lực sản xuất và nhu cầu xuất khẩu theo hướng khuyến khích xuất khẩu khẩu trang y tế sau khi bảo đảm mua đủ số lượng cho tình huống dịch đã được phê duyệt trên cơ sở đó đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 20. Bộ Công an và Bộ Y tế làm rõ việc găm hàng khẩu trang y tế để xuất khẩu. Về việc sản xuất máy thở, đến nay, đã sản xuất được máy thở không xâm nhập và Bộ Y tế đang phối hợp kiểm định máy thở để sản xuất và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()