Tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 - 28/11. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Prayuth Chan-ocha trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan và là chuyến thăm theo thông lệ ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha |
Nằm ở khu vực Đông Nam Á, Vương quốc Thái Lan hiện là một nước công nghiệp mới (trước vốn là nước nông nghiệp truyền thống). Bắt đầu từ năm 1960, Thái Lan thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội lần thứ nhất và đến nay là Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội lần thứ 11 (2012- 2016). Những năm 1970, Thái Lan thực hiện chính sách “hướng xuất khẩu”. ASEAN, Mỹ, Nhật, EC là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành Du lịch đóng vai trò tích cực.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế: Năm 2007, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan đạt 4,7%, năm 2008 đạt 3,6%, năm 2009 đạt âm 2,8% (do tác động của khủng hoảng chính trị trong nước và khủng hoảng tài chính thế giới); năm 2010 đạt 8%; năm 2011 đạt 0,1%, năm 2012 đạt 6,5%, năm 2013 đạt 2,9%.
Trong những năm qua, Thái Lan tích cực phát huy vai trò của mình trong khu vực và quốc tế ; tích cực tham gia các hợp tác khu vực và tiểu vùng (ASEAN, GMS, ACMECS, EWEC,…) . Thái Lan đã đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công lần thứ nhất (5/4/2010); Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á ( 30/5 – 1/6/2012); Hội nghị Thượng đỉnh về nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APWS) lần thứ 2 (19 – 20/5/2013); …
Thái Lan tích cực tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới . Hiện Thái Lan cũng đang thúc đẩy thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước trong khu vực Đông Nam Á (mới đây nhất là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ 25 – 27/6/2013).
Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976. Quan hệ hai nước bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1978. Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước dần được cải thiện và phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Năm 2004, hai nước đã tiến hành họp Nội các chung lần thứ nhất. Đây là cơ chế hợp tác song phương tầm vĩ mô do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì, đề ra các định hướng lớn trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.
Quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt năm 2013, Việt Nam và Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai bên thường xuyên có trao đổi tiếp xúc cấp cao và các cấp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha bên lề Hội nghị cấp cao APEC 22 (tháng 11/2014). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha bên lề Hội nghị ASEM 10 (tháng 10/2014) và Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 (tháng 11/2014). Ngày 17/7/2014, hai bên đã tiến hành họp Tham khảo chính trị lần thứ 4.
Về quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư: Tổng kim ngạch thương mại song phương hai nước năm 2013 đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2012 (8,6 tỷ USD).
Thái Lan hiện đứng thứ 9 trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 310 dự án (tính đến tháng 6/2014) với tổng số vốn là 6,389 tỷ USD. Việt Nam hiện có 8 dự án đầu tư tại Thái Lan, trị giá khoảng 9 triệu USD. Hợp tác ở cấp địa phương diễn ra khá sôi nổi: Tỉnh Hà Tĩnh ký Biên bản hợp tác với tỉnh Nakhon Phanom. Tỉnh Quảng Nam ký Thỏa thuận hợp tác với tỉnh Ubon Ratchathani…
Từ năm 2005 đến nay, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn quân sự cấp cao… Đến nay, hai bên đã tiến hành được 29 chuyến tuần tra chung trên biển. Việc triển khai tuần tra chung của Hải quân hai nước đã góp phần duy trì ổn định trật tự trên vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Thái Lan, được lãnh đạo hai bên đánh giá cao.
Về hợp tác an ninh, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao sang thăm và trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người,…
Về hợp tác giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục (2004). Thái Lan hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy tiếng Thái tại một số trường đại học của Việt Nam như: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Hà Nội…; Thái Lan ủng hộ Đề án thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Giáo dục Việt Nam tại Thái Lan và đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan trong các trường đại học tại Việt Nam.
Thái Lan đã ủng hộ Việt Nam đăng ký Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và giao lưu văn hoá giữa nhân dân hai nước. Thái Lan đã tạo điều kiện cho việc xây dựng hai khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-đôn Tha-ni và Na-khon Pa-nôm là nơi năm xưa Bác Hồ đã từng sống và làm việc.
Năm 2013, khách du lịch Việt Nam vào Thái Lan đạt 787.301 lượt người, khách du lịch Thái Lan vào Việt Nam đạt 268.968 lượt người. Việt Nam xếp thứ 12 trong số quốc gia, vùng lãnh thổ có lượng khách du lịch vào Thái Lan.
Việt Nam và Thái Lan tăng cường hợp tác trong việc phát triển và khai thác tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây cũng như phát triển các tuyến đường bay giữa hai nước. Hai bên cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển đào tạo nghề tại các nước ACMECS (gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar); đang tích cực soạn thảo Thỏa thuận hợp tác về lao động…
Việt Nam rất mong muốn được hoc tập kinh nghiệm của Thái Lan trong tổ chức và phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, tuy nhiên, hiện nay, hợp tác nông, lâm, ngư nghiệp chưa được đẩy mạnh. Hai nước chủ yếu tập trung vào trao đổi một số đoàn chuyên gia tham quan, khảo sát về phát triển nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp, chế biến nông sản, cúm gia cầm, trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý nghề cá tại mỗi nước. Gần đây, hai nước đã ký thỏa thuận về tăng cường hợp tác thủy sản.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển; trao đổi một số đề nghị hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực như: Thương mại, đầu tư, giao thông, vận tải, kết nối, sản phẩm nông, lâm nghiệp và tăng cường hợp tác tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác tiểu vùng sông Mekong.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()