Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách quy định kinh doanh
Năm 2022, có 4 bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 228 quy định kinh doanh gồm 196 thủ tục hành chính; 12 chế độ báo cáo; 20 yêu cầu, điều kiện.
Theo Văn phòng Chính phủ, năm 2022, có 4 bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.
Các đơn vị gồm Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa 228 quy định kinh doanh (gồm 196 thủ tục hành chính; 12 chế độ báo cáo; 20 yêu cầu, điều kiện) tại 29 văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo với 101 quy định, gồm 76 thủ tục hành chính, 20 yêu cầu, điều kiện và 5 chế độ báo cáo. Tiếp đến là Bộ Tài nguyên và Môi trường với 82 quy định, đều là các thủ tục hành chính.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 39 quy định, gồm 37 thủ tục hành chính và 2 chế độ báo cáo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 6 quy định, gồm 1 thủ tục hành chính và 5 chế độ báo cáo.
Với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được phê duyệt, các bộ, ngành nêu trên sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 4 luật; 13 nghị định; 12 thông tư, thông tư liên tịch để thực thi các phương án.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm là 1.152 quy định (năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 924 phương án cắt giảm, đơn giản hóa tại 7 quyết định).
Trong số này có 795 thủ tục hành chính; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 123 yêu cầu, điều kiện; 46 chế độ báo cáo; 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, tại 195 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 14 luật, 73 nghị định, 104 thông tư, thông tư liên tịch và 4 văn bản khác).
Một số bộ, cơ quan đang tiếp tục rà soát, lấy ý kiến để hoàn thiện phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, như: Bộ Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan cũng quan tâm cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.
Tổng số quy định kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa trong năm 2022 là 1.041 quy định, gồm 488 thủ tục hành chính; 8 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 46 yêu cầu, điều kiện, 21 chế độ báo cáo; 478 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành) tại 101 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 5 luật, 21 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 72 thông tư, thông tu liên tịch và 01 văn bản khác).
Như vậy trong 2 năm qua (2021-2022), tổng số quy định đã được cắt giảm, đơn giản hóa là 2.142 quy định (gồm 995 thủ tục hành chính; 8 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 159 yêu cầu, điều kiện; 47 chế độ báo cáo; 933 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành) tại 171 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 13 luật, 48 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 105 thông tư, thông tư liên tịch và 1 văn bản khác). Trong đó, các bộ, cơ quan đã thực thi 357/1.152 phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được phê duyệt (gồm 251 thủ tục hành chính, 38 yêu cầu điền kiện, 14 chế độ báo cáo, 3 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành).
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, thời gian qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành và tính minh bạch.
Với việc Văn phòng Chính phủ và USAID ký kết Biên bản ghi nhớ về triển khai thỏa thuận khung chiến lược về chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử của Việt Nam, đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách các quy định kinh doanh, nhất là cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất-nhập khẩu.
Các cơ quan hành chính nhà nước chuyển đổi mạnh công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công sang phương thức điện tử, phi giấy tờ.
Thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), USAID đang hỗ trợ các nỗ lực của Văn phòng Chính phủ nhằm tăng cường môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và giảm chi phí tuân thủ các yêu cầu về quy định và thủ tục, đo lường tiến độ hàng năm.
Những kết quả đạt được 2 năm qua trong cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh phản ánh phần nào những nỗ lực này.
Đơn cử như Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2022 đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 142 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022, trong đó có 12 yêu cầu, điều kiện, 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 78 thủ tục hành chính.
Hiện, còn 23 điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh vận tải đường bộ sẽ được thực thi trong quá trình xây dựng dự án Luật Đường bộ; 2 điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ lai dắt sẽ được thực thi trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Hàng hải.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ động cắt giảm, đơn giản hóa 43 thủ tục hành chính theo hướng liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý.
Trong số này, Bộ thực hiện đơn giản hóa 30 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo hướng số hóa thành phần hồ sơ, bổ sung phương thức nộp trên môi trường điện tử, bổ sung việc trả kết quả trên môi trường điện tử để đảm bảo đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Giao thông vận tải chủ động sửa đổi tại Nghị định số 64/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải theo hướng số hóa thành phần hồ sơ, bổ sung phương thức nộp trên môi trường điện tử, bổ sung việc trả kết quả trên môi trường điện tử để đảm bảo đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Các thủ tục hành chính này đã được Bộ chủ động sửa đổi tại Nghị định số 69/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.
Trong lĩnh vực đăng kiểm, có 4 thủ tục hành chính được đơn giản hóa các thành phần hồ sơ để cắt giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Giao thông vận tải chủ động sửa đổi tại Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Qua đó, nâng tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành được Bộ Giao thông cắt giảm, đơn giản hóa là 185 quy định, gồm 12 yêu cầu, điều kiện, 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 121 thủ tục hành chính.
Văn phòng Chính phủ cho biết các Bộ Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường cũng thực hiện tốt nhiệm vụ này khi có từ 65-76 quy định được cắt giảm, đơn giản hóa.
Đáng chú ý, theo Quyết định số 1994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải cắt giảm, đơn giản hóa 55 quy định kinh doanh tại 6 văn bản (gồm 3 nghị định và 3 thông tư), tuy nhiên, Bộ đã chủ động rà soát lại các quy định kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định được cắt giảm, đơn giản hóa lên con số 76./.
https://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-thuc-day-manh-me-viec-cai-cach-quy-dinh-kinh-doanh/847164.vnp
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()