Tuy nhiên, ngược với xu hướng vốn FDI đăng ký suy giảm thì vốn FDI thực hiện vẫn duy trì tín hiệu khả quan khi từ đầu năm đến nay, đều đặn mỗi tháng có khoảng một tỷ USD vốn FDI được giải ngân, đưa tổng số vốn FDI thực hiện trong vòng tám tháng qua đạt 7,3 tỷ USD, tăng 1% so cùng kỳ năm trước.
Nếu đà giải ngân của các dự án FDI tiếp tục được duy trì, vốn FDI thực hiện trong năm 2011 có thể dễ dàng đạt mục tiêu 11 đến 11,5 tỷ USD như Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo.
Giải ngân vốn FDI khả quan được coi là “điểm sáng” trong bức tranh về FDI tám tháng qua. Dòng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay sụt giảm được cho là nằm trong xu hướng suy giảm chung vốn FDI trên thế giới do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Một số nền kinh tế cung cấp FDI lớn áp dụng một số biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn ra bên ngoài để tập trung vốn cho phục hồi kinh tế đã tác động nhất định tới dòng vốn FDI toàn cầu. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng trở nên gay gắt giữa các nước, nhất là nhiều nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái-lan, Xin-ga-po… đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thu hút FDI. Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù thời gian qua, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện nhưng những “điểm nghẽn” cản trở quá trình thu hút và sử dụng vốn FDI vẫn chưa được giải quyết triệt để như cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; thủ tục hành chính còn rườm rà… Mặc dù vậy, số vốn FDI đưa vào thực hiện trong tám tháng qua vẫn tăng, cho thấy sự nỗ lực cũng như cam kết đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
FDI là một trong những nguồn vốn quan trọng bổ sung cho nguồn vốn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Với đà giải ngân tích cực vốn FDI từ đầu năm đến nay, cần tiếp tục duy trì bằng cách thực hiện quyết liệt các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy các dự án FDI triển khai, nhằm nhanh chóng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án tại Việt Nam, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, tranh chấp đầu tư… Thủ tục hành chính là một trong những quan ngại chính của nhà đầu tư hiện hữu cũng như nhà đầu tư đang tìm hiểu cơ hội đầu tư. Vì thế, cần tiếp tục đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài; tiếp tục hoàn thiện cơ chế liên thông “một cửa” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư ở các cơ quan cấp giấy chứng nhận và quản lý đầu tư, bảo đảm sự thống nhất trong các quy trình, các thủ tục tại địa phương, đồng thời phù hợp điều kiện cụ thể. Tăng cường năng lực quản lý FDI của các cơ quan chức năng, có cơ chế phối hợp giám sát và kiểm tra chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư từ trung ương đến địa phương; giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai, thuế, xuất, nhập khẩu, hải quan… tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hoạt động, từ đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Ý kiến ()