Tiếp tục thu thuế người bán hàng qua mạng
Tuy nhiên, công việc này vẫn đang tiếp tục vì đây là việc phải làm của cơ quan thuế nhằm tạo sự công bằng giữa các loại hình, phương thức kinh doanh.
Đa phần các cá nhân, tổ chức phản hồi đều kê khai có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, nghĩa là không phải thực hiện nghĩa vụ thuế. “Chỉ một số rất nhỏ kê khai có doanh thu trên mức bắt đầu chịu thuế. Chính vì vậy, số thuế thu được không nhiều”, bà Hương nói.
Dù cơ quan thuế ngay từ đầu không đặt mục tiêu thu được bao nhiêu tiền thuế mà chủ yếu là để nâng cao ý thức tự giác của người kinh doanh nhưng thực tế, hiệu quả đạt được cũng “không cao lắm”, bà Hương nhận xét.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM khẳng định cơ quan thuế vẫn tiếp tục bởi đây là công việc phải làm, cần làm để hướng đến mục tiêu cao nhất là tạo sự công bằng thuế với tất cả người kinh doanh.
Các cá nhân, doanh nghiệp có website bán hàng với tên miền, đăng ký rõ ràng hợp tác tích cực hơn. Tuy vậy, vẫn có không ít đơn vị chưa nộp đúng, nộp đủ số thuế cần phải nộp. Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra một số doanh nghiệp thương mại điện tử, thực hiện xác minh lại kê khai, nộp thuế.
Trước đó, vào tháng 6/2017, sau nhiều nỗ lực, Cục Thuế TPHCM đã gửi thư mời hơn 13.000 chủ tài khoản Facebook tại TPHCM có hoạt động kinh doanh trên Facebook đến làm việc.
Hình thức thu/nộp thuế áp dụng với người kinh doanh trên Facebook, theo bà Tạ Thị Lan Phương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế sẽ là thuế khoán. Với mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm người kinh doanh sẽ phải đóng thuế.
Cách duy nhất để cơ quan thuế có thể xác định được doanh thu của người kinh doanh trên Facebook là kiểm soát các yếu tố như địa điểm lưu trữ hàng hóa, dịch vụ chuyển phát hàng hóa, thanh toán qua ngân hàng hoặc thanh toán với người cung cấp hàng hóa. Việc này cũng tương tự như việc xác định doanh thu khoán của hộ kinh doanh dựa trên các tiêu chí về địa điểm, điện, nước, lao động…
Liên hệ với trường hợp thu thuế Grab, Uber, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học Viện tài chính) đánh giá, về cơ bản thu thuế kinh doanh trên Facebook cũng có nhiều nét tương đồng, nhưng phức tạp hơn. Lý do là Grab và Uber có đầu mối, còn đối với kinh doanh trên mạng xã hội thì lại có hàng trăm nghìn, hàng triệu người với doanh thu cũng khác nhau.
Theo ông Thịnh, trước hết cần phân chia đối với cá nhân có kinh doanh trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter… cứ kinh doanh là phải kê khai vào đóng thuế. Sau đó, là đối với các tổ chức bao gồm trong nước và nước ngoài, bởi hiện tại có những trang kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng đang có lợi nhuận rất khủng mà chúng ta không thu được thuế.
Ý kiến ()