Tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội
Sáng 23-1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Đoàn Chủ tịch, điều hành thảo luận.
Đầu giờ buổi sáng, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng khóa XI, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tham luận với chủ đề “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ”.
Đồng chí cho biết những năm qua, Đoàn đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, tập trung phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy tính tích cực, tự giác trong tự bồi dưỡng, tự giáo dục rèn luyện của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận, công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của ngành giáo dục, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội. Đổi mới nội dung và cách thức học tập sáu bài học lý luận chính trị phù hợp với từng đối tượng đoàn viên. Gắn việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa với triển khai sáng tạo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó, đề cao sự nêu gương của cán bộ Đoàn, Hội, Đội, định hướng cho thanh niên rèn luyện theo tiêu chí “Tâm trong – Trí sáng – Hoài bão lớn”.
Với chủ đề “Đưa quá trình hội nhập quốc tế vào chiều sâu phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam”, tham luận của đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, trong năm năm qua, lần đầu tiên, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước láng giềng, với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới. Cụ thể là, đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với tám nước, quan hệ đối tác toàn diện thêm với ba nước, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và tổng số đối tác toàn diện lên 10 nước. Trong đó, Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các khuôn khổ đó đã đưa quan hệ của ta với các đối tác lên tầm cao chiến lược, ổn định, đồng thời mang lại ngày càng nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội.
Đồng chí Phạm Bình Minh.
Để đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, công tác đối ngoại cần tập trung thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương.
Trong tham luận “Tăng cường xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới”, đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư cho rằng, Đảng ta cần phát huy thành tựu, tăng cường xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân theo Tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đồng chí Thào Xuân Sùng.
Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị và của các cơ quan Nhà nước; đặc biệt chú trọng lựa chọn, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có trình độ trí tuệ, năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng, thực sự là “công bộc” của Nhân dân, thực hành phong cách “Trọng Dân, gần Dân, hiểu Dân, học Dân và có trách nhiệm với Dân”.
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, trình bày tham luận tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: trong năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP),… hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn giai đoạn trước, cần phải tận dụng thời cơ để nỗ lực vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập.
Đồng chí Phạm S.
Trong bối cảnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng. Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng theo đa ngành gồm: tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng trung tâm cung cấp dịch vụ, thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản. Gắn kết thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững hợp lý ở từng địa bàn nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng theo quy hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư FDI để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đồng thời chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch…
Đồng chí Nguyễn Quốc Cường.
Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trong tham luận “Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, khẳng định, sau 30 năm thực hiện Đổi mới và hội nhập thế giới, trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, những chính sách lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân.
Đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, tham luận phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, trật tự vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng.
Tham luận nêu rõ: Tình hình an ninh vùng dân tộc, tôn giáo nước ta trong những năm qua cơ bản vẫn ổn định. Tuy nhiên, trong từng dân tộc, tôn giáo từng vùng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an ninh chính trị. Các thế lực thù địch và bọn phản động trong dân tộc, tôn giáo đẩy mạnh các hoạt động để thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, tôn giáo với Đảng, Nhà nước và chế độ; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Từ thực tế trên và qua nghiên cứu Báo cáo chính trị, chúng tôi rất tán thành những quan điểm về công tác dân tộc, tôn giáo được nêu trong Văn kiện Đại hội. Đó là: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số… chống kỳ thị dân tộc, chống những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp. Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng là phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Trong chương trình làm việc sáng nay, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Đảng, thay mặt Đoàn Thư ký, đọc danh sách các chính đảng, tổ chức bạn bè quốc tế gửi điện, thư chúc mừng Đại hội. Đến nay, Đại hội nhận được 200 điện, thư chúc mừng của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế đã dành cho Đại hội những tình cảm quý báu.
Buổi sáng, các đại buổi tiếp tục thảo luận tại Hội trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()