Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cho cao tốc
Công trường thi công cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-QL45. Ảnh: VGP/PT |
Báo cáo chung về nguồn vật liệu của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, nhu cầu sử dụng các loại vật liệu để phục vụ thi công cho toàn dự án cao tốc Bắc-Nam rất lớn. Riêng khối lượng đất đắp đã lên khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá các loại khoảng 21,5 triệu m3, cát các loại khoảng 10,8 triệu m3.
Tuy nhiên, thời gian qua, các nhà thầu đã báo cáo lên Bộ GTVT về việc một số mỏ vật liệu đã được tư vấn chỉ ra trong hồ sơ không đáp ứng được khối lượng theo nhu cầu của dự án.
Nguyên nhân bởi các mỏ này đồng thời phải chia sẻ, cung cấp cho các dự án khác đang xây dựng của địa phương dẫn đến tình trạng các nhà thầu phải cạnh tranh mua tại mỏ gần dự án nhằm giảm giá vận chuyển. Khối lượng mua lớn, công suất sản xuất của mỏ không đáp ứng kịp so với tiến độ yêu cầu. Cùng với đó, một số mỏ đã hết hạn khai thác, đang chờ gia hạn cấp phép; một số mỏ trong quy hoạch của địa phương đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác. Ngoài ra, một số mỏ do tư nhân đang khai thác chưa sẵn sàng ký hợp đồng để chờ giá lên cao…
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, về nguồn vật liệu, khả năng cung cấp của các mỏ đá đã được cấp phép bảo đảm khối lượng phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên trong vòng 2 năm tới, công suất khai thác của các mỏ đất sẽ thiếu khoảng hơn 8,5 triệu m3, công suất khai thác của các mỏ cát sẽ thiếu hơn 407.000 m3.
Nguyên nhân công suất khai thác tại các mỏ đất, cát đạt thấp là do trước khi Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông triển khai, nhu cầu sử dụng đất, cát cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh không nhiều; một số mỏ đất, cát chưa bảo đảm đủ điều kiện để cấp khai thác với công suất lớn.
Để bảo đảm nhu cầu phục vụ thi công dự án, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GTVT, các Ban Quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu thi công làm việc cụ thể với các doanh nghiệp có mỏ được xác định đủ tiêu chuẩn phục vụ dự án để ký hợp đồng nguyên tắc, cam kết về giá và mua đất, cát từ mỏ với khối lượng lớn hơn công suất được phép khai thác; làm cơ sở để doanh nghiệp lập hồ sơ nâng công suất khai thác trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận và quản lý giá vật liệu.
Còn ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng báo cáo tình trạng nguồn vật liệu tại địa phương cho dự án, hiện 3 mỏ đã được lựa chọn với trữ lượng 10,8 triệu m3 nhưng việc khai thác các mỏ này không đáp ứng được trữ lượng; trong đó có một mỏ là Sòng Vặn dù đã được cấp phép khai thác nhưng lại khó khăn trong giải phóng mặt bằng và đường công vụ.
Hạng mục hầm Tam Điệp nhà thầu cam kết tháng 5 tới sẽ hoàn thành thông hầm. |
Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các nhà thầu làm việc với các chủ mỏ đề nghị đầu tư nâng công suất khai thác với các mỏ có công suất khai thác không đáp ứng yêu cầu nhưng có đủ điều kiện; làm việc với các địa phương thống nhất và cam kết việc sử dụng đường địa phương làm đường công vụ phục vụ thi công…
“Đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến với UBND tỉnh nơi có dự án đi qua chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng”, Thứ trưởng nói.
Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông được Quốc hội hết sức quan tâm, hiện ngân sách Nhà nước đã bố trí gần 79.000 tỷ đồng, như vậy là nguồn kinh phí không thiếu. Tuy nhiên, qua báo cáo và kiểm tra thực địa cho thấy một số vấn đề phát sinh đang ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án. Mặc dù việc giải phóng mặt bằng khá tốt nhưng hiện các vướng mắc nổi cộm của dự án này lại là việc thiếu nguồn vật liệu đất cho thi công.
“Đây là vấn đề nổi cộm cần giải quyết hiện nay, nếu không giải quyết sớm thì không thể đưa dự án khai thác vào năm 2022. Đề nghị các địa phương trong thẩm quyền phối hợp với các đơn vị của Bộ GTVT tìm cách tháo gỡ. Các mỏ đất đã được cấp phép rồi thì ưu tiên nâng công suất mặc dù không nhiều. Do đó, mấu chốt của vấn đề là rà soát những mỏ nằm trong quy hoạch để bổ sung khai thác đáp ứng nhu cầu thi công trong thời gian tới. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, đường công vụ vào mỏ”, ông Vũ Hồng Thanh yêu cầu.
Về kiến nghị của địa phương và Bộ GTVT cần cơ chế đặc thù trong cấp phép các mỏ vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu và sẽ có báo cáo để xem xét, tháo gỡ cho công trình trọng điểm quốc gia này về đích đúng tiến độ.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài 98,5 km gồm 3 dự án thành phần gồm: Dự án Mai Sơn – QL45 chiều dài 49 km; dự án QL45 – Nghi Sơn chiều dài 43 km; dự án Nghi Sơn – Diễn Châu chiều dài 6,5 km. Trong đó, dự án Mai Sơn – QL45 đã bàn giao 49/49 km, đạt 100%; dự án QL45 – Nghi Sơn hoàn thành được 40,5/43 km, đạt 94,2%; dự án Nghi Sơn – Diễn Châu hoàn thành được 6,2/6,5 km, đạt 95,4%. Hoàn thành công tác chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho các hộ bị ảnh hưởng được 9.325/9.495 hộ, đạt 98,2%, còn lại 170 hộ. Hoàn thành xây dựng hạ tầng 42 khu tái định cư và giao đất cho 917/1.077 hộ xây nhà ở, đạt 90,2% và cơ bản đã hoàn thành di dời |
Ý kiến ()