Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
Ngày 27/6, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6/2013, với sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp.
Ngày 27/6, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6/2013, với sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp.
P hiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013. (Ảnh: TTXVN). |
Lạm phát được kiềm chế
Trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đề ra trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Nhờ vậy, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều được cải thiện, góp phần làm tăng mức tăng trưởng GDP quý II lên 5%, cao hơn mức tăng của quý I và đưa tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên 4,9%. Trong đó, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi và có những chuyển biến đáng kể, tuy còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá giảm nhẹ hoặc tăng thấp. CPI tháng 6/2013 tăng 2,4%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
Lãi suất giảm, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế,… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng trưởng tín dụng có chuyển biến; thanh khoản các ngân hàng thương mại được cải thiện; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá cao, nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất cải thiện đáng kể. Hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể; tỷ lệ nhập siêu thấp. Vốn ODA và FDI thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp được quan tâm triển khai. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững …
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp; tiến độ thu ngân sách nhà nước không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Đáng lưu ý, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển nhưng tốc độ chậm lại và gặp nhiều khó khăn. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục khó khăn, thách thức; tập trung vào một số giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ, tài khóa; thúc đẩy hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC), góp phần xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, thị trường vàng theo mục tiêu, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, quản lý đầu mối xuất khẩu gạo; tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, …
Khơi thông nguồn vốn vay
Trong chương trình phiên họp, Chính phủ thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2013, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP.
Ngay trong đầu phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, báo cáo kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2013 đã nổi lên tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng đề nghị làm rõ nguyên nhân tăng, thấp là do đâu? Giải pháp sắp tới để thống nhất chủ trương cùng nhau thực hiện .
Nhất trí với nhóm giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày, tuy nhiên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng đối với sản xuất nông nghiệp, cần quản lý chặt khâu nhập khẩu nông sản nước ngoài, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa nông sản cho bà con nông dân trong nước. T heo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, năm vừa rồi, miền Bắc ảnh hưởng bão số 8; hạn hán càn quét rất mạnh tới các tỉnh Tây Nguyên. Dịch bệnh trên tôm đã tìm được tác nhân, nhưng việc khắc phục còn chậm, ảnh hưởng đến ngành nuôi tôm. Việc cúm gia cầm cũng có tác động nhất định. Đó là những nguyên nhân sâu xa khiến cho một số ngành sản xuất chính của nông nghiệp không tăng, làm giá trị tăng chậm, GDP tăng chậm.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế, căn bản nhất vẫn là xuất khẩu, mặt khác tháo gỡ về tín dụng, giảm thuế, kiểm soát nhập khẩu; tăng cường quản lý chất lượng vật tư, giống cây trồng, hỗ trợ nông dân, để duy trì một sản phẩm có lợi thế …Theo Bộ trưởng, ở đây cần có điều chỉnh dài hạn. Chính vì vậy, Bộ đã trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu, trong đó biện pháp căn bản nhất là điều chỉnh cơ cấu sản xuất. N gày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án này, hiện đã triển khai trong ngành.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, để chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả, mấu chốt là khu vực công nghiệp, xuất khẩu, khuyến khích trong phát triển nông nghiệp .
Trong đó, tăng được tổng cầu xã hội cần được xác định là nhiệm vụ tiên quyết với các biện pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong ngắn hạn mà trước hết là nới rộng hơn tín dụng trong giới hạn đảm bảo kiềm chế lạm phát mà vẫn kích thích được sản xuất, đảm bảo cho DN tiếp cận được nguồn vốn.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Nếu chúng ta đưa ra các giải pháp tích cực hơn thì chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn. Vấn đề quan tâm là cần có giải pháp để tháo gỡ nút thắt “nguồn vốn”. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương quan tâm xử lý vấn đề sản phẩm tồn kho bằng các biện pháp kích thích tiêu dùng, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đây là mũi tên trúng nhiều đích, vừa tiêu thụ được cho doanh nghiệp vừa gỡ khó cho sản xuất, vừa giúp cho tăng trưởng đầu tư, cải thiện hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đổng Tiến cho biết: Dự báo của các tổ chức thế giới, nền kinh tế của chúng ta trong giai đoạn 2 đến 3 năm tới sẽ tiếp tục khó khăn, cần thời gian nhất định để phục hồi. Như vậy, các giải pháp phải có tính tổng thể, có liều lượng, các giải pháp tiền tệ cũng chỉ có tính nhất định, nếu lạm dụng chính sách tiền tệ và không phối hợp với các chính sách khác thì cũng khó mang lại hiệu quả.
Phó Thống đốc thông tin thêm: Về nguồn vốn tín dụng, đến tháng 5, tháng 6 đã tăng 3, 5%. Sắp tới, đang có một loạt các dư án lớn của tổ chức tín dụng đã hoàn thảnh về thủ tục. Tuy nhiên, kỳ vọng của doanh nghiệp vào nguồn vốn còn lớn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Quan trọng là thị trường đầu ra, sản xuất, hệ thống ngân hàng chỉ hoạt động hiệu quả khi phân bổ nguồn vốn đúng địa chỉ doanh nghiệp.
Quyết liệt phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp thu các kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương giao các cơ quan chức năng xử lý, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Cơ bản đồng tình với báo cáo kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2013, Thủ tướng nhấn mạnh: Nhìn chung trong 6 tháng qua trong bối cảnh cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng các Bộ ngành đã có nhiều nỗ lực cố gắng để triển khai nghiêm túc mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tăng trưởng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, giảm hàng tồn kho, cải cách hành chính, …
Tuy nhiên, việc cụ thể, thể chế hóa các chủ trương còn chậm, cần rút kinh nghiệm, triển khai quyết liệt hơn. “Chúng ta nhất trí nỗ lực phấn đấu phát huy những kết quả đã đạt được, nhân rộng các mô hình tốt, khắc phục những khó khăn yếu kém trên tinh thần phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, Nghị quyết Chính phủ ngay từ đầu năm đã đề ra” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”.
Cụ thể, về ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả như báo cáo, nhưng trong 6 tháng cuối năm cần tiếp tục điều hành thích hợp các giải pháp tiền tệ, tài khóa để kiểm soát lạm phát, không được chủ quan để vừa thúc đẩy tăng trưởng hợp lý, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô gắn với tăng tổng cầu.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, trước hết, giảm mặt bằng lãi suất nhưng phải phù hợp với lạm phát; tăng dư nợ tín dụng ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đưa đúng chỗ vào các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ. Điều hành tỷ giá thị trường ngoại hối cả năm 2-3%, phải tính toán để thị trường không bị giật cục; tập trung thực hiện tốt kế hoạch thu chi ngân sách. Thủ tướng nhấn mạnh: “Không thay đổi kế hoạch thu, chi và bội chi ngân sách”.
Mặt khác, các Bộ, ngành cần chú ý vốn đầu tư toàn xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân đầu tư công
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Thủ tướng yêu cầu phải đưa Công ty xử lý nợ xấu vào họat động. Lãnh đạo NHNN chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vay vốn. Triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị trường.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phải chỉ đạo tập trung triển khai tái cơ cấu nông nghiệp đối với từng mặt hàng, tăng năng suất, giảm chi phí đem lại lợi nhuận cho nông dân; đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt xây dựng nông thôn mới, phổ biến kinh nghiệm những mô hình tốt ở từng địa phương, trong từng lĩnh vực.
Ngoài ra, hết sức quan tâm chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, việc làm, phòng chống lụt bão, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()