Tiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá
– Năm 2021 diễn ra trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mới, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên.
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Lạng Sơn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, đời sống Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và đồng thuận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Nỗ lực thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 là “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra khu vực triển khai đầu tư xây dựng một số dự án tại cửa khẩu Chi Ma (tháng 4/2021). Ảnh: TRÍ DŨNG
Là năm đầu của nhiệm kỳ, để thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ của năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 13 nghị quyết chuyên đề về phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2025; phê duyệt 4 kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 tỉnh Lạng Sơn; xây dựng, triển khai thực hiện 35 chương trình, kế hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021 – 2025. Cùng đó, phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo đột phá, sự chuyển biến rõ nét của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn để vừa nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm đang triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội. Song song với đó là đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Trong phòng, chống dịch bệnh, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo, kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, chủ động điều chỉnh các biện pháp phù hợp với diễn biến và mức độ của dịch bệnh. Tiếp tục đề ra những giải pháp mới, hiệu quả, sáng tạo được đánh giá cao như: phong tỏa hẹp, xét nghiệm có trọng tâm; đón công nhân từ các doanh nghiệp bùng phát dịch trở về, không để người công nhân tự di chuyển để hạn chế lây lan dịch bệnh; triển khai bản đồ số cung cấp thông tin giúp người dân biết được tình hình dịch COVID-19; triển khai nền tảng cửa khẩu số, bổ sung chức năng kiểm tra, kiểm soát, khai báo y tế đối với người và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành; hình thành khu vực “cửa khẩu xanh” để tạo thuận lợi thông quan hàng hóa cho cả nước.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế, sẵn sàng phương án bảo đảm về y tế, sản xuất, đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh; khẩn trương tiêm phòng cho người dân, bảo đảm sớm đạt mục tiêu bao phủ vắc xin.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, toàn tỉnh đã chủ động điều chỉnh phương châm phòng, chống dịch, trong đó luôn xác định mục tiêu phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, đồng thời đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Với sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2021, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mới; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 6,67%, tăng hơn 2 lần so với năm 2020, xếp thứ 15 cả nước và thứ 3 khu vực trung du miền núi phía Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với năm trước. Các ngành kinh tế đều tăng trưởng khá so với năm trước, cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng.
Sản xuất xe đạp điện tại Công ty DK bike Việt Nhật. Ảnh: TRÍ DŨNG
Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã linh hoạt, chủ động cân đối, tạm ứng nguồn ngân sách để thực hiện các dự án khởi công mới, trong khi Trung ương chưa phân bổ kịp thời nguồn vốn. Năm 2021, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí trên địa bàn tỉnh đạt 13,5 đến 14 tiêu chí/xã; mỗi huyện công nhận được từ 2 hoặc 3 khu dân cư kiểu mẫu.
Kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu tiếp tục được tập trung đầu tư xây dựng. Đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; chủ động trong công tác quản lý cửa khẩu, điều tiết các hoạt động thông quan hàng hóa; thường xuyên trao đổi, hội đàm với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) để thống nhất các biện pháp thúc đẩy giao thương hàng hóa qua các cửa khẩu và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước thực hiện 4.270 triệu USD, đạt 138,6% kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tăng 5,61% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thành lập Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, huyện Cao Lộc. Hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng và triển khai lập Quy hoạch chi tiết, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng và thành lập Khu công nghiệp Hữu Lũng.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn, hết năm 2021, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 90,6%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 69,9%; toàn tỉnh bê tông hóa 350 km đường giao thông nông thôn các loại.
Thương mại nội địa tiếp tục được duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm cung ứng đầy đủ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 24.102 tỷ đồng, tăng 10,51% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh khó khăn, UBND tỉnh đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm có 416 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 3.890 tỷ đồng; toàn tỉnh hiện có 3.312 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 30.584 tỷ đồng.
Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt kết quả nổi bật, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.000 tỷ đồng, đạt 195% dự toán Trung ương giao, tăng 53% so với năm 2020, đây là số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay.
Phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,99%, đứng thứ hai trong các tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, ngành giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020 – 2021, thích ứng an toàn với dịch COVID-19; toàn tỉnh công nhận thêm 20 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 252 trường. Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh; đa dạng hóa các loại hình giáo dục ngoài công lập.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được đặc biệt quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới y tế xã được củng cố góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở. Năm 2021, toàn tỉnh có 172 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,9%; cập nhật thông tin quản lý sức khỏe trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử được 99% dân số.
Các hoạt động văn hoá, thể thao tiếp tục được quan tâm triển khai an toàn, hiệu quả. Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn; tặng danh hiệu “Công dân Lạng Sơn ưu tú” lần thứ nhất đối với 5 cá nhân. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được tăng cường triển khai thực hiện. Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục được quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng thể thao thành tích cao. Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Thực hiện nhiều giải pháp giải quyết việc làm mới cho người lao động.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, có nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân bị cách ly, gặp khó khăn do dịch COVID-19; các chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm 2,12%, tương đương giảm hơn 5.000 hộ theo chuẩn nghèo cũ.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh trên tuyến biên giới ổn định. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, trọng tâm là củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, toàn diện với Quảng Tây (Trung Quốc). Tích cực thay đổi phương thức kết nối trao đổi thông tin hợp tác, duy trì tốt quan hệ với các đối tác trên thế giới.
Công tác cải các hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2021 có bước chuyển biến tích cực về công tác chuyển đổi số. Triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, hoàn thành trước thời hạn 7 tháng so với yêu cầu đề ra, Lạng Sơn là một trong 3 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành sớm mục tiêu này; 100% giáo viên sử dụng chữ ký số, bỏ hoàn toàn học bạ và bảng điểm giấy; kinh tế số nông nghiệp nông thôn đạt 60% số hộ có cửa hàng số và thanh toán điện tử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: quy mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh yếu; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống Nhân dân ở các vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, an ninh trật tự khu vực biên giới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh tiếp tục xác định phương châm hành động của năm 2022 là: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”.
Trong đó, các cấp, các ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cần đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 7 đến 7,5%. Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế – xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp để tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tạo được nhiều đột phá, đổi mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()