Tiếp tục sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sạch
LSO-Sáng nay (11/8), UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn Tiêu thụ rau, quả Việt Nam – Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn |
Dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam. Về phía tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng đại diện lãnh đạo một số huyện, thành phố của Quảng Tây, Trung quốc và hơn 100 doanh nghiệp của 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.
Hiện nay, diện tích trồng rau, quả của nước ta khoảng 1.600.000 ha. Trong đó, khoảng 854.000 ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn; hơn 700.000 ha cây ăn quả, cho sản lượng 7 triệu tấn/năm. Các mặt hàng rau, quả Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015 và dự kiến năm 2017 đạt kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 43%. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm gần 80% tổng kim ngạch.
Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh nông sản |
Với Lạng Sơn, diện tích trồng rau hàng năm từ 7.000 – 7.500 ha, cho sản lượng bình quân trên 100 nghìn tấn, giá trị thu được hơn 800 tỷ đồng/năm. Trong đó có một số loại rau đặc sản vùng như: cải ngồng, cải làn, bò khai… Tỉnh có một số loại quả có tiềm năng xuất khẩu lớn như na, quýt, hồng… với tổng diện tích khoảng 5.300 ha, sản lượng đạt khoảng 26.200 tấn, cho doanh thu khoảng 600 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh về mốt số loại nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: cây hồi với diện tích hơn 34.000 ha, cây chè có diện tích 800 ha và cây thạch đen diện tích trồng hàng năm từ 1.500 – 2.000 ha.
Tại diễn đàn, các đại biểu, doanh nghiệp đã phát biểu tham luận, đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm rau, quả, nhất là việc xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Các ý kiến xoay quanh các vấn đề như: danh mục hàng được xuất khẩu; quy chuẩn chất lượng sản phẩm; cơ chế, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc; việc trao đổi thông tin về nhu cầu sản phẩm, thị trường và sự kết nối của doanh nghiệp hai bên;…
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã nhấn mạnh: Bộ sẽ tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và các địa phương cần lưu ý đến quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt quy chuẩn xuất khẩu với từng thị trường; chú trọng việc xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác; có kế hoạch tổ chức sản xuất, mùa vụ phù hợp; chủ động liên kết, hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về phía Lạng Sơn, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Lạng Sơn cam kết thực hiện nhất quán quan điểm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hợp tác và phát triển; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch cơ chế chính sách và quản lý điều hành; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tại diễn đàn, đã có 8 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được các doanh nghiệp hai bên ký kết.
ANH DŨNG
Ý kiến ()