Tiếp tục phối hợp các tổ chức tôn giáo triển khai hoạt động phòng, chống dịch
Sáng 3/8, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, vừa ban hành văn bản số 2734 gửi các tổ chức Chính trị – Xã hội ở Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tuyên truyền, vận động các tôn giáo phòng, chống dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua, nhất là khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát đã gây khó khăn chung cho toàn xã hội, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, trong đó có sự tích cực hưởng ứng và chung tay phòng, chống dịch của các tôn giáo, công tác phòng, chống dịch ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, dịch bệnh một số nơi đã được kiểm soát, đẩy lùi.
Trong những khó khăn do đại dịch gây ra, chúng ta đã thấy bừng sáng lên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “Lá lành đùm lá rách”, “Nhường cơm, sẻ áo”, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của đồng bào các tôn giáo. Các tôn giáo đã có nhiều hoạt động tích cực, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thấm đẫm tình đồng đạo, nghĩa đồng bào, tiêu biểu…
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, đông đảo các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, trong đó phải kể đến phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng phòng, chống dịch”; đăng ký sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19; vận động các cơ sở thờ tự, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực thực hiện và lan tỏa phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch… Những hành động tốt lành và nghĩa cử cao đẹp của các tôn giáo đã kết nối tình đồng đạo, nghĩa đồng bào cùng cả hệ thống chính trị nâng cao tinh thần quyết tâm chống dịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những đóng góp to lớn của các tôn giáo trong phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua.
Tại văn bản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên của mặt trận phối hợp cùng các tôn giáo: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của ngành y tế; của các cấp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc về các nội dung về phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh các biện pháp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, đoàn viên, hội viên là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng để mọi người ý thức rõ tính chất nguy hiểm, diễn biến phức tạp và các tác hại nghiêm trọng của dịch Covid-19 hiện nay.
Vận động đoàn viên, hội viên và tín đồ tích cực thực hiện việc khai báo y tế trên địa chỉ: tokhaiyte.vn; đăng ký tiêm vaccine phòng dịch. Tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19”; tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ “Quỹ vaccine phòng Covid-19” do Chính phủ thành lập.
Tiếp tục phát huy những hoạt động thiện lành, những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của các tổ chức thành viên và các tổ chức tôn giáo trong phòng, chống dịch Covid-19, như: Phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch; đăng ký sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19; phát huy tốt vai trò các cơ sở khám, chữa bệnh của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, các phòng thuốc nam, tuệ tĩnh đường… trong việc phối hợp với chính quyền, mặt trận và cơ sở y tế ở địa phương tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh…
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm, chung tay chăm lo tới đời sống của những người lao động phổ thông, người yếu thế đang gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay.
Ý kiến ()