Tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
LSO - Kể từ sau Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất năm 2009 đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực thi đua phấn đấu vươn lên, đồng bào các DTTS tỉnh ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh đối với vùng miền núi, dân tộc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh tặng quà cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tràng Định
Ảnh: HOÀNG HUẤN
Đây chính là nguồn nội lực quý để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS; tăng thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta cư trú chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với truyền thống của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, các dân tộc thiểu số trong tỉnh luôn có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, gắn bó bên nhau để chế ngự thiên nhiên, xây dựng cuộc sống, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bản, làng, quê hương, đất nước.
Để phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào các DTTS, những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Hướng tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nước sinh hoạt; chính sách định canh, định cư; vay vốn phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ là người DTTS… Nổi bật, từ năm 2009 đến năm 2014, tỉnh ta đã huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 6.200.750 triệu đồng; trong đó, ưu tiên đầu từ xây dựng đường giao thông, thủy lợi, đường điện, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa… góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Thêm nữa, các dự án thuộc Chương trình 135 đã hỗ trợ phát triển sản xuất được 62.020 triệu đồng với 74.745 hộ được thụ hưởng; thực hiện tập huấn cho trên 45.800 lượt cán bộ xã, thôn và cộng đồng về năng lực quản lý và kiến thức khoa học ứng dụng vào sản xuất. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng ĐBKK đã hỗ trợ tổng vốn 74.331 triệu đồng cho 714.505 nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đã cho 2.253 hộ vay với số tiền 12.665 triệu đồng. Các chương trình xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo thực hiện…
Kết quả 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh theo chuẩn cũ đã giảm từ 17,85% (năm 2009) xuống còn 15% (năm 2010); theo chuẩn mới (giai đoạn 2011-2015) giảm từ 28,34% (năm 2010) xuống còn 14,9% (năm 2014). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,45%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuy vậy, kinh tế phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tuy đã được đầu tư xây dựng đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào còn hạn chế.
Nhằm tăng cường củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, khắc phục được những hạn chế, khó khăn nêu trên; trong chương trình hành động giai đoạn 2014- 2019, Lạng Sơn quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung cụ thể: Trong đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc; gắn công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đặt công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thành nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài và cấp bách trong giai đoạn cách mạng mới. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước, nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, cụ thể hoá Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc tại các xã vùng III, vùng cao, biên giới. Tổ chức huy động các nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn đầu tư có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực có đủ điều kiện nhằm huy động tối đa các nguồn vốn từ xã hội vào đầu tư phát triển vùng DTTS; thực hiện lồng ghép vốn các đề án, dự án, chính sách dân tộc với các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác trên địa bàn để triển khai thực hiện hiệu quả.
Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc; kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan và cán bộ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện, xã. Xây dựng nòng cốt đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đủ năng lực trình độ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay. Xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đối với công tác dân tộc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…. Với truyền thống đoàn kết, cần cù, lao động sáng tạo, Đại hội đại biểu DTTS toàn tỉnh lần thứ 2 được tổ chức vào những ngày cuối năm 2014 sẽ là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Bài, ảnh: Mai Hoa - Xuân Hương
Ý kiến ()